Hà Nội: Khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 vượt sông Hồng trị giá hơn 2.500 tỷ đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 30/8, TP Hà Nội tổ chức khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu dài 3,5 km, rộng 19,25 m với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Tham dự lễ khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mặc dù việc thi công cầu Vĩnh Tuy 2 gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài, mặt bằng thi công trên sông, điều kiện thủy văn phức tạp nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội, sự giúp đỡ của người dân, các đơn vị thi công làm việc không kể ngày đêm, tăng ca, tăng kíp,... sau gần 3 năm thi công, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ Khánh thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, đổi mới của các đơn vị có liên quan, người dân ở hai bên đầu cầu để dự án sớm được đưa vào sử dụng.

"Không có việc gì khó, quan trọng chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng đề nghị sau công trình trên, các cơ quan liên quan có tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, cũng như trong huy động sức mạnh của người dân để thực hiện các dự án, công trình tiếp theo.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt có mật độ dân cư lớn, lưu lượng tham gia giao thông ngày một tăng cao; trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông chung của Thành phố vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng khung bao gồm các đường vành đai, các trục hướng tâm chưa được khớp nối, liên thông đồng bộ...

Việc tập trung đầu tư các dự án hạ tầng giao thông khung của Thành phố, sớm đưa các công trình dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị hoàn thành vào khai thác sử dụng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố là rất cấp thiết.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khánh thành sẽ giúp tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố, đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

"Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn như thi công trong mùa lũ, khi mực nước dâng cao phải dừng thi công và di chuyển máy móc, thiết bị thi công để tránh lũ; dịch Covid-19 năm 2021 bùng phát trở lại, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội…

Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP Hà Nội, sự nỗ lực quyết tâm của Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công; đến nay công trình đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị và được Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu hoàn thành công trình, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng, rút ngắn thời gian xây dựng khoảng 4 tháng so với kế hoạch", ông Tuấn thông tin.

Theo ông Tuấn, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hết sức cần thiết, góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trên tuyến.

Dự án cầu Vĩnh Tuy hoàn thành cũng chứng tỏ được năng lực, kinh nghiệm để thành phố Hà Nội có thể triển khai thi công các công trình cầu khác bắc qua sông Hồng trong những năm tới, như: cầu Thượng Cát, cầu Vân Phúc, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở…

"Ngay sau Lễ Khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 này, tôi đề nghị, Sở Giao thông vận tải cùng với Công an Thành phố, Ban quản lý dự án công trình giao thông thành phố tổ chức ngay việc phân làn, hướng dẫn giao thông để Nhân dân đi lại thuận tiện; đồng thời rà soát việc tổ chức giao thông tại các tuyến đường, nút giao liên quan để xem xét, điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp", ông Tuấn đề nghị.

* Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm ở phía hạ lưu sông Hồng. Cầu nằm song song và có hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 3.473 m. Điểm đầu dự án giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), tại trụ T17HLA, điểm cuối giao với đường Cổ Linh thuộc địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy sẽ là cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội với 8 làn xe ô tô (40 m). Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với tải trọng lớn.

Ngoài ra, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vẫn có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật như: rãnh thu nước, chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, sơn kẻ, biển báo, vỉa hè, lát gạch gầm cầu, dải phân cách giữa, tổ chức giao thông kết nối với các tuyến đường hiện trạng.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trên tuyến

Công trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 1/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, nhiều hạng mục của cây cầu có tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng đã hoàn thành.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy sẽ có 4 làn xe lưu thông theo hướng từ trung tâm TP Hà Nội sang Long Biên (4 làn xe gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đường).

Ngọc Linh