Hạ tầng mở lối, bất động sản Bình Thuận bùng nổ

NovaWorld Phan Thiet quy mô 1.000 ha đã đưa vào vận hành giai đoạn I, đón hàng triệu du khách đến tham quan và trải nghiệm

Đường bộ “tăng tốc”, sân bay thành hình

Trên công trường dự án trọng điểm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết qua hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai dài 99 km, không khí đang rất khẩn trương. Ban Điều hành Dự án Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho biết, các nhà thầu đang khẩn trương thi công các hạng mục thảm nhựa mặt đường, cầu, đắp nền đường trên tuyến… để kịp đưa công trình vào vận hành cuối năm nay. Đến nay, toàn tuyến cơ bản đã liền mạch, nhiều đoạn đã được thảm nhựa.

Trong đó, đoạn đầu kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất (Đồng Nai), trục đường chính đã hiện rõ. Đây là nút giao quan trọng trong tổng 6 nút của cao tốc này. Bên cạnh đó, nhiều phần của cao tốc đang gấp rút trải nhựa như đoạn đi qua xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), đoạn qua xã Hàng Gòn (TP. Long Khánh); nhiều cầu vượt dân sinh thuộc xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ)... cũng đã cơ bản được hoàn thành.

Đặc biệt, nút giao quan trọng giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã xuất hiện. Sau khi nút giao này đi vào sử dụng, các phương tiện đi từ hướng TP.HCM có thể rẽ phải thẳng ra Phan Thiết. Thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết cũng rút ngắn chỉ còn khoảng hơn 2 giờ, thay vì 4 - 5 giờ như hiện nay.

Song song với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cũng đang triển khai thi công các tuyến đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà; đường Hàm Kiệm - Tiến Thành; thi công đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện; nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển 719… với tổng vốn đầu tư các dự án này hơn 2.500 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đây là các công trình có ý nghĩa, mang tính chiến lược lâu dài trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, những tuyến đường này sẽ kết nối các khu du lịch ven biển phía Nam TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam với các dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn đang được đầu tư xây dựng.

Bên cạnh các tuyến đường bộ, Dự án sân bay quốc tế Phan Thiết đang được cấp tập xây dựng để có thể đưa vào hoạt động năm 2023 như kế hoạch đề ra. Cộng thêm sân bay quốc tế Long Thành dự kiến khai trương giai đoạn I vào năm 2025, Bình Thuận sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận được hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, mang lại lợi thế không nhỏ cho ngành du lịch địa phương và giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “cất cánh”.

Đón đầu sự bùng nổ

Có thể nói, sự phát triển mạnh của hệ thống hạ tầng giao thông dần mở ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh Bình Thuận, đồng thời với thị trường bất động sản, câu chuyện hạ tầng, đặc biệt là cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chuẩn bị đưa vào hoạt động được dự báo sẽ tạo nên sức bật mới cho thị trường bất động sản.

Hiện nay, Bình Thuận đang ghi nhận sự xuất hiện của nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được quy hoạch và phát triển bài bản. Quy mô nhất có thể kể đến tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Phan Thiet (Tiến Thành) đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà đầu tư bởi hệ sinh thái tiện ích du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, mua sắm đẳng cấp quốc tế. Dự án đã đưa vào vận hành giai đoạn I, đón hàng triệu du khách đến tham quan và trải nghiệm. Các căn second home đầu tiên thuộc phân khu Florida cũng đã được bàn giao cho khách hàng.

Một cái tên khác đang làm nóng thị trường bất động sản Phan Thiết (Bình Thuận) là APEC Mandala Wyndham Mũi Né, đánh dấu sự nhập cuộc của APEC Group tại “thủ đô resort”. Đặc biệt, gần 3.000 căn hộ khách sạn 5 sao 100% view biển đang trong quá trình hoàn thiện để sẵn sàng bàn giao vào cuối năm, kịp thời đáp ứng nhu cầu về căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp đang khan hiếm.

Một dự án bất động sản đáng chú ý nữa tại Phan Thiết đang tăng tốc khởi động là Mũi Né Summerland Resort - tổ hợp giải trí và tiệc tùng theo mô hình Las Vegas do Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư.

Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và sân bay Phan Thiết có tác động như một “liều thuốc” kích thích cho thị trường bất động sản Bình Thuận.

Hiện tại, Hưng Lộc Phát đã bàn giao những sản phẩm đầu tiên của phân khu The Island với dòng sản phẩm chính là nhà phố du lịch (shoptel) và nhà phố thương mại (shophouse) cho khách hàng. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạ tầng tiện ích để cuối năm 2022 đưa một phần Dự án vào sử dụng đúng với thời điểm hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holding, doanh nghiệp chuyên đầu tư, phân phối thị trường bất động sản Bình Thuận cho biết, mặc dù hiện nay tình hình thị trường chung khá trầm lắng, song riêng thị trường bất động sản Bình Thuận vẫn luôn có sức hút nhất định.

“Lý do khiến giới đầu tư quan tâm nhiều đến thị trường Bình Thuận một phần vì địa phương này có bờ biển trải dài, liền kề TP.HCM, đặc biệt là khi có cao tốc, sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP.HCM tới Bình Thuận chỉ còn 2 giờ, thay vì 4 giờ như hiện nay. Do vậy, tâm lý nhà đầu tư sẵn sàng lựa chọn bất động sản tại Bình Thuận, ngoài mục đích đầu tư còn vì mục đích sử dụng”, ông Sang nói.

Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holding cho biết thêm, thực tế thời gian qua, bất động sản tại Bình Thuận có sự tăng giá khá tốt.

Theo các chuyên gia, du lịch phục hồi, cùng với nhiều dự án đường cao tốc, sân bay dần thành hình là một trong những yếu tố hỗ trợ đắc lực để bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi nhanh sau dư chấn do Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp tiếp tục phát triển các dự án nghỉ dưỡng “triệu USD”, bài bản cho thấy, cuộc chơi của bất động sản nghỉ dưỡng thực sự đã “nóng” trở lại.

Theo phân tích của giới chuyên môn, du lịch phục hồi cũng là đòn bẩy “kích thích” hoạt động đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Báo cáo mới đây của CBRE cũng chỉ ra, Bình Thuận đang nắm nhiều chỉ số ấn tượng trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Về tỷ lệ tăng giá, Bình Thuận ghi nhận tín hiệu tích cực, trong giai đoạn 2019 - 2021, khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trầm lắng, mức giá bán tại các thị trường đi ngang, thì Bình Thuận vẫn tăng trưởng mạnh mẽ (khoảng 18%/năm) do được nhà đầu tư chào đón và chủ đầu tư đưa ra các sản phẩm cao cấp hơn.

Tương tự, giá phân khúc biệt thự biển ghi nhận tăng đều trong 3 năm liên tiếp, trung bình khoảng 14%/năm.

Trọng Tín