Hàng hóa tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp cảng biển thắng lớn

Cảng biển lãi lớn

Ba tháng đầu năm 2024, Công ty CP ghi nhận mức doanh thu thuần 1.005 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt gần 441 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3,3%.

Đáng chú ý, hoạt động tài chính của Gemadept có doanh thu tăng gần 354 tỷ đồng, gấp 17 lần quý 1/2023 chủ yếu nhờ lãi chuyển nhượng Cảng Nam Hải. Công ty cũng ghi nhận các lãi từ liên doanh, liên kết gần 98 tỷ đồng.

Quý I/2024, nhiều doanh nghiệp cảng biển ghi nhận lợi nhuận kinh doanh tích cực.

Với các hoạt động tài chính trên, Gemadept ghi nhận mức lãi trước thuế gần 708 tỷ đồng trong quý 1/2024, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 656 tỷ đồng.

Theo lý giải của Gemadept, mức chênh lệch lợi nhuận của doanh nghiệp do lợi nhuận gộp từ hoạt động khai thác cảng và logistics tăng hơn 14 tỷ đồng; Lãi chuyển nhượng Cảng Nam Hải gần 336 tỷ đồng và chi phí thuế hoãn lại giảm hơn 5 tỷ đồng.

Cũng là "ông lớn" trong hoạt động kinh doanh cảng biển, Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) đạt doanh thu hợp 4.755 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận toàn bằng 281% cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 559 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Cảng Dịch vụ dầu khí Đình Vũ (PTSC Đình Vũ) cũng là cảng biển "thắng đậm" trong quý I/2023 khi doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 57 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3,3 tỷ đồng, tăng hơn 578% so với cùng kỳ năm 2023.

Đại diện Đình Vũ thông tin, biến động này chủ yếu do các nguồn thu nhập khác của doanh nghiệp, tăng 4,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng có khởi đầu thuận lợi là Công ty CP Cảng Cam Ranh khi trong quý I, cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đều tăng. Theo đó, doanh thu của công ty đạt 37,6 tỷ đồng, tăng 16,8%. Giá vốn cũng tăng khoảng 16,8%. Các chi phí tài chính, chi phí lãi vay đều giảm. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 3,83 tỷ đồng, tăng 31,1%.

Có được những kết quả trên nhờ công ty đã đẩy mạnh cung ứng dịch vụ logistics cho khách hàng (cân hàng, vận chuyển, kho bãi hàng hóa...) mang lại doanh thu tốt.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cảng biển cũng báo lãi trong quý. Tiêu biểu, Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Cảng Sài Gòn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý đạt 50,1 tỷ đồng, tăng 26,4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong khi đó, Công ty CP Cảng Xanh VIP (VIP Greenport) lại có mùa kinh doanh hiệu quả khi đạt lợi nhuận kỷ lục, ở mức 94 tỷ đồng cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong một quý của công ty này.

Nhiều thách thức trong năm 2024

Tuy có nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tích cực, song "bức tranh" của thị trường cảng biển trong quý I/2024 vẫn có những gam màu khác.

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng có doanh thu tăng 12,5%, đạt 566,42 tỷ đồng. Giá vốn tăng 10,4% và chi phí tài chính tăng 28,9%, trong khi chi phí lãi vay giảm 12,5%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp giảm 15% so với cùng kỳ, đạt hơn 179 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả này, Cảng Hải Phòng cho biết tổng lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do giảm các lợi nhuận khác. Trong quý, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ khi nhận thu nhập khác từ khoản bồi thường thiệt hại là 128,9 tỷ đồng và ghi nhận khoản chi phí dự phòng sửa chữa lớn tài sản cổ đông bị tổn thất là hơn 66 tỷ đồng.

Công ty CP Cảng Cát Lái cũng ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt gần 47 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lại giảm nhẹ, đạt 24,2 tỷ đồng.

Năm 2024, ngành cảng biển dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với nhiều yếu tố bất lợi như kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo giới quan sát, những diễn biến bất ổn, căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia liên tục leo thang gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển.

Chưa kể, tình hình kinh doanh các hãng tàu sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các hãng tàu liên tục phải cắt giảm, hủy chuyến để giảm mức độ dư thừa cung tàu trên thị trường, dẫn tới sản lượng qua các cảng suy giảm và không ổn định.

Các hãng tàu phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán giá dịch vụ giữa các cảng và hãng tàu. Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, các cảng tư nhân thực thi nhiều chính sách giảm giá, tăng chiết khấu để lôi kéo khách hàng khiến thị phần bị chia sẻ, tình hình cạnh tranh về dịch vụ cảng biển ngày càng gay gắt.

Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp cảng biển đều đang lên những chiến lược để có thể đạt được kế hoạch đề ra.

Tiêu biểu, Tổng công ty Hàng hải VN lên kế hoạch tăng thu từ thoái vốn tại Sesco, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, dự kiến thanh lý tài sản cũ, kinh doanh không hiệu quả. Trong khi đó, Cảng Hải Phòng lên kế hoạch đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, mở rộng cảng, đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp...

Hồ An