Hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Hà Nội: Không đứt gẫy chuỗi cung - cầu

TP Hà Nội đã trải qua hơn 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, vậy nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm của người dân như thế nào, TP đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu đó, thưa bà?

- Theo tính toán sơ bộ của các cơ quan chức năng, hiện nhu cầu gạo của người dân Hà Nội khoảng 93.000 tấn/tháng và TP có thể tự đáp ứng khoảng 65%, số lượng còn lại khai thác từ các tỉnh, TP khác. Về mặt hàng thịt lợn, người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 19.000 tấn/tháng, khả năng đáp ứng tại chỗ đạt hơn 98%. Thịt trâu, bò, nhu cầu khoảng 5.300 tấn/tháng, đáp ứng tại chỗ khoảng 20%, còn lại được cấp từ các địa phương khác. Thịt, trứng gia cầm, TP cũng có thể đáp ứng đủ. Về rau củ, nhu cầu khoảng 103.000 tấn/tháng, khả năng đáp ứng hiện tại khoảng 60.000 tấn, nhu cầu cấp từ các tỉnh, thành khác là 43.000 tấn...

Điểm bán hàng lưu động của AEON tổ chức tại quận Long Biên

Vậy, để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, ngành công thương đã có phương án dự trữ, khai thác như thế nào, thưa bà?

- Về nguồn hàng, TP Hà Nội sẽ huy động tổng lực hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các tỉnh, thành phố đã cam kết cung cấp hàng hóa cho Hà Nội. Theo đó, dự kiến lượng hàng hóa TP Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng phục vụ Nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng trị giá khoảng 194.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, 48.150 tấn thịt trâu bò, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm. Bên cạnh đó, duy trì, phát triển đàn bò 164.000 con, đàn lợn đạt 1,6 - 1,8 triệu con, đàn gia cầm 38 - 40 triệu con.

UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn trên địa bàn TP như Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam, Công ty Hà Nội Food, Công ty CP Thực phẩm Song Đạt, Công ty Ba Huân… tập trung sản xuất sản phẩm chế biến phục vụ người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản có kho lạnh bảo quản tăng cường dự trữ nguyên liệu, thành phẩm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuyển đến các cơ sở phân phối phục vụ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua lương thực tại siêu thị Hapro Thành Công trong thời gian giãn cách xã hội.

Bên cạnh nguồn cung tại chỗ, TP Hà Nội có phương án thu mua gạo từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hưng Yên…; thịt lợn từ các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình; thịt trâu, bò từ các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa…; rau, củ lấy từ các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Lâm Đồng…

Trường hợp các địa phương trên gặp khó khăn, TP Hà Nội cũng dự phòng nguồn cung từ những địa phương khác trên toàn quốc. Thực tế cho thấy, hằng năm, tỉnh Hòa Bình cung cấp cho TP Hà Nội 200 tấn rau hữu cơ, 120 tấn trái cây, 2.500 tấn thịt lợn, 1.000 tấn thịt gà, 500 tấn thịt bò, 1.500 tấn cá… Tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp 80.000 tấn rau củ quả, 250 triệu quả trứng gà, 3.200 tấn gà thịt, 15.000 tấn thịt lợn, 4.000 tấn thủy sản….

Trong quá trình dự trữ, khai thác nguồn hàng, ngành công thương có gặp khó khăn, bất cập gì không, thưa bà ?

- Việc dự trữ, lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội những ngày vừa qua cho thấy, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn hơn do ảnh hưởng của công tác kiểm soát dịch bệnh (hạn chế phương tiện vận chuyển; xét nghiệm Covid cho lái xe qua các chốt kiểm dịch...).

Hoạt động kinh doanh của một số siêu thị tạm ngừng bởi nằm trong vùng cách ly hoặc liên quan đến F0, thiếu nguồn nhân lực phục vụ kinh doanh, giao nhận hàng hóa. Bên cạnh đó, hiện chưa có những chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời kỳ dịch bệnh đã gây khó khăn trong việc huy động sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, gây ùn ứ cục bộ.

Về sản xuất nông nghiệp, do thiếu nguồn nhân lực lao động và nguồn cung vật tư nông nghiệp nên giá đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giá thành đầu tư của sản phẩm…

Người dân mua hàng hóa tại điểm bán hàng lưu động tổ chức tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình)

Hiện đã có 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi dừng hoạt động, vậy ngành công thương có giải pháp khắc phục như thế nào ?

- Trường hợp nhiều điểm bán thực phẩm tươi sống ngừng kinh doanh cùng một thời điểm, TP sẽ triển khai 2.500 điểm bán lưu động. Đồng thời, bố trí các khu đất trống cho các tiểu thương trong chợ dân sinh di chuyển địa điểm khi chợ bị dừng hoạt động; yêu cầu hệ thống không bán thực phẩm thiết yếu chuyển đổi công năng sang bán lương thực, thực phẩm; mở cửa 24/24 giờ sẵn sàng phục vụ Nhân dân khi có yêu cầu của TP…

Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND TP bảo đảm nguồn cung theo 2 hướng. Đó là, tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; duy trì liên doanh, liên kết, kết nối hàng hóa từ các tỉnh, đặc biệt là từ 21 tỉnh phía Bắc và 800 chuỗi đang thực hiện cung ứng hàng hóa cho Hà Nội.

Để thuận tiện cho việc tập kết hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương đang tìm các nơi đất trống, bến xe đang dừng hoạt động, sân vận động hay các chợ chưa hoạt động hết công suất... làm nơi trung chuyển hàng hóa, giãn cách cho các chợ đầu mối đang tạm dừng hoạt động. Dự kiến bến xe Hà Đông, Cụm công nghiệp Nam Hà Nội, Khu tái định cư tại Tiên Dược, Sóc Sơn, Khu triển lãm tại 489 Hoàng Quốc Việt... sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa.

Xin cảm ơn bà!

Lê Nam