Hàng hóa TP.HCM không thiếu, nhưng khâu giao hàng gặp nhiều trở ngại

Tối 28/8, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện buổi phát trực tiếp "Dân hỏi - Thành phố trả lời" trên mạng xã hội.

Người dân TP.HCM đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc phân bổ các gói hỗ trợ, túi an sinh, chương trình đi chợ hộ, công tác tiêm chủng vaccine, xét nghiệm Covid-19.

Chia sẻ trong buổi phát trực tiếp, ông Nguyễn Anh Đức cho biết hàng hóa tại TP.HCM đang không thiếu, nhưng khâu đưa hàng hóa từ siêu thị đến người dân có một số những trở ngại. Ông Đức cho biết Saigon Co.op cũng đang ưu tiên chuẩn bị những đơn hàng có liên quan đến người già, trẻ nhỏ, người yếu thế để những đơn hàng này đến tay người dân sớm nhất.

Kiểm soát người đi đường chứ không kiểm soát hàng hóa

Về vấn đề danh mục hàng hóa thiết yếu, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - khẳng định nhu cầu của mỗi cá nhân là khác nhau nên hàng hóa là thiết yếu với người này nhưng lại không thiết yếu với người khác, dẫn tới những hiểu lầm, trở ngại nhất định trong quá trình kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thành phố đang tính toán nới lỏng kiểm soát hoạt động của các shipper để giảm tải cho hệ thống phân phối hàng hóa. Ảnh: Chí Hùng.

"Cuối cùng thì với sự tham mưu của các cơ quan, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản rõ ràng, Bộ GTVT cũng đã có chủ trương, chúng ta kiểm soát người đi ra đường chứ không kiểm soát hàng hóa", ông Phương chia sẻ.

"Người nào được đi ra đường thì họ có chở cái gì cũng không quan trọng nữa vì họ đối tượng cần đi ra ngoài và chúng ta đã xem xét, cho phép nên chuyện họ chở gì không quan trọng nữa", ông Phương nói thêm.

Cũng theo phó giám đốc Sở Công Thương, các xe chở hàng hóa sẽ không còn bị kiểm soát chở hàng thiết yếu hay không thiết yếu nữa mà quan trọng là xe có được đi hay không và tài xế có được cấp giấy đi đường hay không.

"Mặt hàng nào thì bà con cũng sẽ cần vào những thời điểm nhất định", ông Nguyễn Anh Đức khẳng định. "Giờ TV, tủ lạnh, nồi cơm điện bị hỏng là người dân sẽ bị ảnh hưởng. Bà con mà vướng những chuyện đó có thể đặt mua trên các nhóm mua chung, đi chợ hộ, đảm bảo các chú công an, anh bộ đội sẽ không cản để đưa đến bà con", tổng giám đốc Saigon Co.op nói.

Giảm tải cho lực lượng phân phối

Về việc vì sao đơn hàng đi chợ hộ của người dân được giao rất chậm, có đơn mất tới 4 - 5 ngày mới tới tay người mua, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết hệ thống và lực lượng phân phối hàng hóa hiện nay cho người dân là không có sẵn và mới hình thành, không có thời gian đào tạo và huấn luyện nên tùy địa phương sẽ có những trục trặc nhất định.

"Chúng tôi dự kiến những ngày tới đây khi lượng hàng hóa dự trữ trong dân giảm xuống, nhu cầu mua sắm tăng lên khiến lưu lượng hàng hóa luân chuyển rất lớn sẽ càng làm cho lực lượng phân phối quá tải", ông Phương cho biết.

"Chúng tôi đang tính toán phải có phương án để người dân đăng ký trực tiếp tới hệ thống phân phối và giao hàng bằng shipper, giảm tải cho lực lượng phân phối của thành phố", ông Phương khẳng định.

Cũng tại buổi phát trực tuyến, các khách mời đều ủng hộ việc sớm nới lỏng kiểm soát hoạt động của các shipper để giảm tải cho hệ thống đi chợ hộ của TP.HCM cũng như tạo sinh kế trở lại cho các tài xế giao hàng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết shipper đang mất việc, ở nhà trong khi xã hội đang rất cần lực lượng này.

"Chính vì vậy, Sở Công Thương đã thấy được điều đó và kiến nghị với lãnh đạo thành phố. Trong chiều 28/8 các Sở ngành đã cùng tham mưu và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chấp thuận chủ chương, hi vọng lực lượng shipper sẽ sớm được quay trở lại hoạt động", ông Phương chia sẻ.

Về việc người dân "bùng" đơn hàng đi chợ hộ, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định những trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngô Minh