Hoán đổi tiền tệ - Thời cơ cho Bộ tứ tại Nam Á

Ban điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến nhóm họp vào ngày 29-8 tới và sẽ cân nhắc khoản vay trị giá 1,17 tỷ USD dành cho Pakistan để nước này tránh nguy cơ vỡ nợ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ngày càng gay gắt. Chia sẻ với truyền thông hạ tuần tháng 8, quyền Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) Murtaza Syed tỏ ra khá kỳ vọng vào sự chấp thuận của IMF, đồng thời cho biết dự trữ ngoại hối của Pakistan có thể lên đến mức 16 tỷ USD vào cuối tài khóa, sau khi giảm xuống còn khoảng 8 tỷ USD do khủng hoảng tài chính.

Hoán đổi tiền tệ mang lại niềm hy vọng cho nhiều nước Nam Á như một công cụ quan trọng trong hợp tác kinh tế khu vực.

Pakistan đã tiếp cận một số quốc gia như Trung Quốc, Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để đáp ứng khoảng cách tài chính theo yêu cầu của IMF.

Bangladesh, quốc gia có nền kinh tế gần đây vẫn được coi là ở tình trạng tốt hơn hầu hết các nước láng giềng, cũng đã tiếp cận IMF để vay 4,5 tỷ USD trong bối cảnh nguồn dự trữ ngoại hối giảm mạnh do áp lực tăng chi phí nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và phân bón.

Nepal, Bhutan và Maldives cũng là những quốc gia được xếp vào diện đáng lo ngại vì nợ nước ngoài tăng trong khi dự trữ ngoại hối giảm mạnh.

Bóng ma khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 được cảnh báo là đang rình rập Nam Á. Chi phí nhập khẩu và chi phí nhiều khoản vay nước này bị đẩy lên cao trong bối cảnh lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng, một “tác dụng phụ” từ cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến cán cân thương mại trở nên căng thẳng. Cùng lúc, nhiều chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương phương Tây khác nhằm tăng lãi suất cũng đã khiến nhiều đồng nội tệ trong khu vực sụt giá so với đồng USD.

Đầu tháng 7 năm nay, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo “nguy cơ khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng” vì nhiều khoản vay trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính sách tiền tệ bị thắt chặt trong khi chi phí đi vay bằng đồng USD trở nên lớn hơn. Bà nói thêm rằng khoảng 30% các thị trường đang phát triển và mới nổi, cùng khoảng 60% các nước có thu nhập thấp đã rơi vào nợ nần hoặc tiệm cận tình cảnh này.

Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”. Những khó khăn và cảnh báo đối với Nam Á thực tế đang mở ra cơ hội cho một cấu trúc ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và cũng đang dần khẳng định vị thế: Nhóm Bộ tứ. Đối với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ, bối cảnh hiện tại càng thúc đẩy họ tập hợp nhằm đề ra những giải pháp căn cơ cho các quốc gia đang vấp phải những căng thẳng tài chính.

Trong số những lối thoát được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là khả năng các ngân hàng trung ương của Bộ tứ phối hợp thiết lập một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Cơ sở này sẽ cho phép ngân hàng trung ương của các quốc gia bị ảnh hưởng tạm thời hoán đổi tiền tệ lấy USD để giải quyết các thách thức thanh khoản ngắn hạn tại các ngân hàng và tập đoàn trong nước, giải tỏa cơn khát thiếu ngoại tệ và chi phí vay nợ quốc tế tăng cao.

Đây không phải là một sáng kiến mới. Bộ tứ có thể tham khảo Sáng kiến Chiang Mai từng được thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đưa ra vào năm 2000. “Sáng kiến Chiang Mai” gồm 2 nội dung cơ bản là thành lập một mạng lưới hỗ trợ tài chính giữa các nước ASEAN và quan trọng hơn, xây dựng hệ thống giúp đỡ lẫn nhau mang tính song phương, giữa mỗi quốc gia ASEAN và nhóm 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Thực tế FED cũng đã có những động thái theo hướng này như chuyển đổi các thỏa thuận hoán đổi tạm thời được thiết lập trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu thành các nền tảng dài hạn. Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, FED đã mở rộng các kênh hoán đổi khẩn cấp tới Canada, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia và các nước khác để giúp các ngân hàng trong nước đảm bảo nguồn dự trữ USD.

Nói một cách rõ ràng, cơ chế hoán đổi tiền tệ của Bộ tứ không nhằm thay thế, mà sẽ bổ sung cho các hỗ trợ từ IMF. Nếu được IMF “bật đèn xanh” ủng hộ, Bộ tứ cũng sẽ loại bỏ cái mác mà họ bị gán lâu nay là “kẻ bảo trợ” của những quốc gia từng đưa ra các quyết định kinh tế sai lầm và phải gánh quá nhiều nợ từ Trung Quốc.

Tất nhiên, mọi giải pháp cứu trợ đều đi kèm điều kiện và đánh đổi. Chương trình của IMF sẽ buộc các chính phủ đang tìm kiếm sự giúp đỡ phải cương quyết và triệt để thực hiện các cải cách tương xứng để duy trì sức bền của nền kinh tế cũng như khả năng thanh khoản. Nhìn từ góc độ này, IMF cũng có thể hỗ trợ sáng kiến của Bộ tứ bằng cơ chế giám sát nhằm đảm bảo hiệu quả bền vững hơn.

Một ví dụ phản ánh tiềm năng của Bộ tứ là trường hợp của Sri Lanka, nơi các doanh nghiệp đang “khát” USD để giải quyết các khoản nợ hiện có. Colombo đã cố gắng vận dụng kênh hoán đổi tiền tệ với Ấn Độ và Bangladesh để tạm thời tăng dự trữ ngoại hối. Nếu không có chương trình của IMF, Colombo không thể đảm bảo nguồn tài chính bổ sung, vì các khoản nợ hiện nay được đánh giá là thiếu bền vững, do đó, các giao dịch hoán đổi không thể ngăn chặn nước này vỡ nợ. Trong bối cảnh này, Ấn Độ và Nhật Bản – 2 thành viên Bộ tứ - đã đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ Sri Lanka thuyết phục IMF và các quốc gia chủ nợ khác về các khoản vay hỗ trợ ngân sách và cán cân thanh toán.

Nói một cách ngắn gọn, khủng hoảng tài chính Nam Á vô hình trung là cơ hội để Bộ tứ thể hiện rõ hơn nữa sự thiện chí và cho thấy khối có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế ngắn hạn, thay vì chỉ tập trung vào các mục tiêu quân sự dài hạn. Điều này cũng có thể nâng tầm giá trị của Bộ tứ với tư cách là một nhóm khu vực đủ sức giải quyết một cách linh hoạt các thách thức mới đang đặt ra cho thế giới.

Thái Hân (Tổng hợp)