Không để 'những người bạn' ở châu Âu thất vọng, Mỹ 'nắm trong tay' công cụ quan trọng chống Nga

Mỹ hưởng lợi lớn trong việc xuất khẩu LNG sang châu Âu. (Ảnh: Shinya Sawai)

Nhu cầu rất lớn từ châu Âu

Nhu cầu cao ở châu Âu dẫn đến sự bùng nổ sản xuất LNG ở Vịnh Mexico. Tại cảng Sabine Pass (bang Texas, Mỹ), mỗi ngày có hai con tàu lớn dài hàng trăm mét, chở đầy khí đốt hóa lỏng, rời cảng. Nhiệm vụ của những con tàu này là đưa khí đốt được khai thác tại Mỹ đến các khách hàng ở châu Âu.

Công ty khí đốt hóa lỏng lớn nhất Mỹ - Cheniere - vận hành nhà máy LNG tại cảng Sabine Pass.

Khí đốt tự nhiên từ các bang như Texas, Louisiana, Oklahoma và Pennsylvania được đưa tới đây thông qua hệ thống đường ống.

Tại cơ sở rộng 345 ha trên Vịnh Mexico, khí đốt tự nhiên được hóa lỏng thông qua quá trình làm lạnh đến nhiệt độ âm 161 độ C trong các bể chứa khổng lồ, sau đó, nén thành LNG và đưa đến các tàu chuyên dụng đặc biệt thông qua các đường ống.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, số lượng tàu chở LNG rời cảng Sabine Pass và các cảng khác trên bờ biển Mỹ đã tăng lên nhanh chóng.

Ngày càng có nhiều tàu hướng tới châu Âu, gần đây nhất là tới Đức, nơi cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng ở cảng Wilhelmshaven (miền Bắc nước này) mới được đưa vào hoạt động không lâu.

Theo số liệu từ nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu về nguyên liệu thô Kpler, khối lượng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ sang châu Âu năm 2022 đã tăng gấp đôi năm 2021.

Ở châu Âu nói chung và Đức nói riêng, khí hóa lỏng của Mỹ được sử dụng để sưởi ấm trong các hộ gia đình và duy trì hoạt động của các nhà máy. Trong khi đó tại Mỹ, nhu cầu rất lớn từ châu Âu đang tạo ra một động lực mới cho toàn bộ ngành khí đốt.

Xuất khẩu LNG - công cụ quan trọng chống Nga

Nhà sử học về năng lượng Daniel Yergin, Phó Chủ tịch công ty S&P Global nhận định: "Thật đáng kinh ngạc khi thấy sau nhiều thập niên lo lắng về sự phụ thuộc vào năng lượng, Mỹ hiện là nước xuất khẩu LNG lớn nhất và là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Quốc gia này đã trở lại vị trí thống trị trên thế giới về năng lượng mà nước này đã từng nắm giữ từ những năm 1950. Theo ước tính, xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tăng 14% trong năm nay, phần lớn là sang châu Âu".

Đối với Mỹ, LNG đã trở thành một công cụ quan trọng để đoàn kết các đồng minh nhằm chống lại Nga.

Đây cũng là một trong những lý do khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden dù thực hiện chính sách khí hậu "xanh" nhưng vẫn cho phép mở rộng xuất khẩu khí hóa lỏng và xây dựng các cơ sở LNG mới.

Trong tuần qua, thêm một kho cảng khác dành cho khí hóa lỏng đã được phê duyệt tại thành phố Port Arthur. Thống đốc bang Texas Greg Abbott khẳng định, việc mở rộng các cơ sở LNG là việc phải làm để đảm bảo an ninh năng lượng của Mỹ. Kế hoạch này cũng sẽ mang lại nhiều việc làm hơn cho người dân Texas.

Ông Jack Fusco, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Cheniere cho biết, năm ngoái, 70% trong tổng số 638 chuyến tàu chở khí LNG được đưa tới châu Âu. Với thương nhân này, 2022 là một năm hết sức quan trọng.

"Không nên để những người bạn ở châu Âu thất vọng", ông Jack Fusco nhấn mạnh.

Theo Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Cheniere, trong năm 2021, 60% lượng khí LNG xuất khẩu của Mỹ được chuyển tới châu Á, chỉ 40% tới châu Âu. Nhưng tình hình hiện tại đã khác, hiện chỉ có một số ít tàu chở khí lỏng đang hướng đến châu Á.

Nhiều quốc gia châu Á, như Indonesia, đã tăng cường sử dụng than đá nhiều hơn trước, điều này một phần vì rất nhiều tàu chở khí LNG đã chuyển hướng tới châu Âu. Việc Mỹ tăng cường bán khí lỏng cho châu Âu không chỉ vì tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương mà còn đơn giản là các nước châu Âu trả giá cao hơn.

Xuất khẩu LNG sẽ tiếp tục tăng lên

Chiến lược khí hóa lỏng của Mỹ đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Ông Greg Ebel, Giám đốc điều hành công ty năng lượng và Enbridge cho biết, các hệ thống lưu trữ ven bờ biển ở Mỹ trước đây được thiết kế chủ yếu cho hoạt động nhập khẩu khí lỏng. Nhưng hiện tại chúng đã trở thành các cơ sở xuất khẩu.

Các doanh nghiệp như Qatar Energy và Exxon Mobil cũng đang chuyển đổi cơ sở nhập khẩu khí lỏng Golden Pass thành cơ sở xuất khẩu với chi phí khoảng 10 tỷ USD.

Những năm trước, người Mỹ chủ yếu muốn nhập khẩu khí đốt thay vì muốn xuất khẩu, vì các mỏ khí đốt dễ khai thác ở Mỹ hầu hết đã cạn kiệt. Sau đó, nhờ sự bùng nổ của công nghệ khai thác thủy lực bẻ gẫy (fracking), vào năm 2019, lần đầu tiên Mỹ vươn lên trở thành nhà xuất khẩu ròng về năng lượng.

Tuy nhiên, công nghệ fracking gặp khủng hoảng vì chi phí đắt đỏ, không phù hợp với mức giá thấp trên thị trường dầu mỏ và khí đốt thế giới. Vào năm 2020, các công ty khai thác sử dụng công nghệ fracking đã nộp đơn xin phá sản hàng loạt.

Tuy vậy, tình hình một lần nữa đã thay đổi sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc và xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Nhu cầu và giá cả trên thị trường dầu mỏ và khí đốt thế giới tăng nhanh, đồng thời ở mức cao trong thời gian dài.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, năm ngoái, các mỏ khí đốt của Mỹ đã sản xuất nhiều hơn bao giờ hết, bình quân hơn 3 tỷ m³ mỗi ngày và xu hướng này đang tiếp tục tăng lên.

Nếu nhu cầu tại châu Âu yếu đi

Giám đốc điều hành công ty năng lượng Chesapeake Nick Dell'Osso cho rằng, nước Mỹ sở hữu rất nhiều tài nguyên dầu khí để có thể khai thác trong hàng thập niên, không chỉ ở các bang phía Nam như Texas hay New Mexico mà còn ở vùng Đông Bắc như Pennsylvania.

Đồng quan điểm trên, ông Corey Prologo từ công ty vận tải Trafigura nhận thấy, sự bùng nổ khí hóa lỏng sẽ tiếp tục trong một thời gian dài và vai trò của LNG ngày càng trở nên quan trọng. Các cơ sở xuất khẩu dầu mỏ cũng có thể được chuyển đổi thành các cơ sở xuất khẩu LNG.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một lúc nào đó nhu cầu của châu Âu về khí lỏng giảm mạnh?

Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường phát triển năng lượng xanh nhằm thay thế năng lượng hóa thạch và giúp châu lục này trở nên độc lập hơn về năng lượng.

Do đó về lâu dài, châu Âu sẽ nhập khẩu ngày càng ít năng lượng hóa thạch hơn.

Bà Naomi Boness, Giám đốc điều hành của "Sáng kiến khí đốt tự nhiên" (NGI) tại Đại học Stanford (Mỹ) khẳng định, cần phải đặt ra câu hỏi rằng liệu hàng tỷ USD đầu tư vào khí lỏng có xứng đáng hay không nếu người châu Âu không muốn đảm bảo việc mua hàng trong dài hạn?

Tuy nhiên, theo ông Colin Gruending, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Enbridge, rủi ro ở mức thấp.

Ông cho hay, nhu cầu khí đốt trên toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao trong một thời gian dài. Ông cũng nhấn mạnh rằng hiện tại người Mỹ "phải có trách nhiệm đạo đức để tiếp tục gửi nhiều tàu chở khí LNG đến châu Âu".

(theo Handelsblatt)

Việt An