Không dễ vay vốn trả nợ ngân hàng khác

Cuộc đua "cho vay để trả nợ ngân hàng khác" với lãi suất thấp hơn đã và đang diễn ra trong những ngày đầu tháng 9 sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực. Không chỉ tại các ngân hàng cổ phần, các "ông lớn" Big4 cũng tham gia khiến cuộc đua về lãi suất giữa các ngân hàng ngày càng "nóng" hơn.

“Làn sóng” hạ lãi suất cho vay để "đảo nợ"

Lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết, ngân hàng không thiếu vốn, thậm chí là đang dư thừa, đang "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như doanh nghiệp tồn kho hàng hóa thì ngân hàng đang tồn kho tiền.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại thừa nhận, việc tìm kiếm khách hàng mới, chất lượng, có khả năng trả nợ để cho vay đang rất khó khăn. Vì vậy, ngay khi quy định được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác có hiệu lực, nhóm Big 4 đã tiên phong công bố mức lãi suất cho vay hấp dẫn.

Các ngân hàng nếu quá "dò xét" trong việc cho vay có thể dẫn tới câu chuyện khó đưa vốn ra nền kinh tế.

Trong đó, VietinBank là ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất trên thị trường tính đến thời điểm hiện nay, chỉ từ 5,6%/năm với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5% với vay tiêu dùng. Tiếp đến là BIDV với mức lãi suất cho vay từ 6%/năm; Vietcombank cho vay với lãi suất 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu.

Không chịu “ngồi im”, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng tham gia cuộc đua. Điển hình, MB triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm. Số tiền vay tối đa 100% dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay và ân hạn gốc lên tới 12 tháng tùy theo các mục đích vay.

Trong khi đó, Techcombank cho vay với lãi suất từ 7,3%/năm trong 12 tháng đầu; ACB là 8%/năm trong 12 tháng đầu tiên…

Tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản ĐBSCL được tổ chức cuối tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh muốn tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng phải chủ động hơn nữa trong việc giảm lãi suất cho vay. Thời gian qua, một số ngân hàng còn chậm giảm lãi suất. Nhưng đến thời điểm gần đây, nhất là 1-2 tuần vừa rồi, ngân hàng không thể không hạ lãi suất.

“Trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay, song hiện nay, không còn ngân hàng nào không giảm lãi suất nếu không muốn mất khách hàng. Với chính sách khách hàng được vay ngân hàng này để trả ngân hàng khác sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể lựa chọn vay vốn của ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn. Mặt khác, cơ chế này cũng khiến các ngân hàng thương mại cạnh tranh với nhau nhiều hơn, giúp hạ lãi suất tích cực hơn", ông Tú nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng cho biết, dù các ngân hàng thương mại cần phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song cũng không thể “ném tiền qua cửa sổ”, dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng, bởi nguồn cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải trả lại cho người dân. Vì vậy, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, song không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ.

Cơ chế nào giúp khách hàng dễ vay vốn?

Chính vì vậy, bên cạnh việc đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, các ngân hàng cũng lưu ý một số điều khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay để trả nợ ngân hàng khác.

Cụ thể, với khách hàng cân nhắc việc trả nợ trước hạn, hầu hết hợp đồng tín dụng có điều khoản khách hàng muốn trả nợ trước hạn sẽ phải chịu một khoản phí phạt từ 0,5-3%/số tiền trả nợ trước hạn hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào từng ngân hàng cho vay và được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu.

Đơn cử như tại Vietcombank, chi phí này dao động từ 1-2%. Ngoài ra, còn có những chi phí như phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới, phí giao dịch tài sản đảm bảo...

Bên cạnh đó, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo, do đó, người vay sẽ phải thế chấp tài sản khác cho ngân hàng vay mới thì mới có được "tiền tươi" để tất toán các khoản vay cũ cho ngân hàng ban đầu. "Đây là điều kiện rất khó khăn với những khách hàng không còn tài sản thế chấp. Vì vậy, nhiều người dân vẫn chần chừ, chưa vay ngân hàng mới để trả nợ ngân hàng cũ", lãnh đạo một ngân hàng cho hay.

Trước tình hình này, NHNN có cơ chế gì giúp khách hàng vay của ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, khi tài sản đảm bảo đang thế chấp ở ngân hàng khác? Phó Thống đốc cho rằng đây là những vấn đề kỹ thuật trong khâu tổ chức thực hiện của các ngân hàng thương mại, không phải là vấn đề của cơ chế chính sách.

Chia sẻ tại chương trình ChatToday, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, việc các ngân hàng cân nhắc xét duyệt các khoản vay hiện nay là phù hợp với tiêu chuẩn về quản lý rủi ro. Nếu như quá dễ dãi với các khoản vay thì các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu trong tương lai.

Tuy nhiên, các ngân hàng nếu quá "dò xét" trong việc cho vay thì cũng dẫn tới câu chuyện khó đưa vốn ra nền kinh tế. Để giải quyết bài toán này, theo ông Huân, NHNN cần phát đi một thông điệp chấp thuận tăng một mức độ rủi ro nhất định cho hệ thống, khi đó dòng vốn mới có thể "bơm" ra cho các doanh nghiệp.

Huyền Anh