Khủng hoảng của thị trường chứng khoán Trung Quốc có tác động tới Việt Nam?

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tìm cách hỗ trợ để “giải cứu” thị trường khỏi lao dốc quá mạnh

Dòng tiền đến Việt Nam?

Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc trong những ngày vừa qua, do các biện pháp siết chặt của Chính phủ đến các doanh nghiệp công nghệ và giáo dục, cũng là điều thường thấy ở các thị trường châu Á. Các Chính phủ đều có sự điều chỉnh, quản lý theo đường lối chính sách của nước họ.

Vấn đề đặt ra ở đây là, liệu các biện pháp mạnh đó có tiếp tục hay không, thì chắc chắn là có. Vì thị trường chứng khoán Trung Quốc nói chung và các doanh nghiệp lớn, ví dụ như Alibaba vẫn luôn luôn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ. Tại thời điểm này, ở Trung Quốc có rất nhiều doanh nghiệp nổi lên mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, tài chính kỹ thuật số. Chính phủ cũng thấy rằng, những doanh nghiệp đó có sự đóng góp cho nền kinh tế với vai trò tích cực, nhưng cũng đang trở thành rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc nói chung, khi công nghệ tài chính ngày càng phát triển. Có những doanh nghiệp còn dùng các thủ đoạn để thao túng thị trường, vì vậy chính phủ Trung Quốc can thiệp để tìm cách kiểm soát là điều hiện hữu.

Ngay cả việc các cơ quan quản lý đã tìm cách hỗ trợ để “giải cứu” thị trường khỏi lao dốc quá mạnh ngay sau đó, cũng nằm trong biện pháp thông thường của nước này. Điều đó phản ánh, đây là thị trường có điều chỉnh, không hoàn toàn theo hướng tập trung cạnh tranh lành mạnh giữa các đối tác trong một thị trường.

Thông qua thực tế trên, chúng ta sẽ ít nhiều đánh giá được sự tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù đến nay, chưa có một nghiên cứu nào để thống kê, đưa ra số liệu về việc các nhà đầu tư Trung Quốc có tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, với mức độ, tỷ lệ ra sao. Vấn đề này cũng không phải dễ, vì rất nhiều những nhà đầu tư Trung Quốc khi tham gia thị trường thì đều thông qua những đối tác của họ ở Việt Nam.

Trong trường hợp nếu thị trường Trung Quốc bị Chính phủ tìm cách kiểm soát, siết chặt, có khả năng dòng tiền đó sẽ đổ vào thị trường chứng khoán của Việt Nam. Tác động đó mang tính chất tích cực hay tiêu cực, sẽ rất khó để đánh giá ngay trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, rất cần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý có những nghiên cứu, giám sát chặt chẽ.

Bài học từ cho vay "thả cửa"

Một vấn đề khác nữa, đó là câu chuyện bom nợ ở Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc đang ở vào thế mắc kẹt giữa áp lực xử lý nợ và tăng trưởng kinh tế bền vững. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì phải tăng nợ và ngược lại. Trung Quốc là trường hợp điển hình, ngoài trái phiếu doanh nghiệp, còn có trái phiếu chính quyền địa phương,... Đây là hệ quả sau nhiều năm cho vay thả cửa đầu tư cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, đường sá, sân bay, nhà máy,… nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Từ thực trạng bom nợ trái phiếu, bom nợ bất động sản của Trung Quốc, cần rút ra bài học về kiểm soát nợ, tránh rủi ro tương lai

Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc rất mạo hiểm, thay vì đi vay ngân hàng thì phát hành trái phiếu rồi dùng tiền đó để kinh doanh vào bất động sản. Nhưng kinh doanh bất động sản ở đâu cũng vậy, đều có rủi ro, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh vẫn còn đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Các bom nợ này không những tác động mạnh đến nền kinh tế Trung Quốc nói riêng mà có thể cũng là rủi ro cho các nền kinh tế xung quanh, trong đó có thị trường chứng khoán Tokyo, thị trường chứng khoán Hàn Quốc và cả thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi hiện nay, thế giới đang bước vào giai đoạn kết nối giữa các nền kinh tế rất liên thông, chặt chẽ, vì vậy, sự ảnh hưởng của một thị trường cũng có thể lan tỏa đến những thị trường khác.

Từ vấn đề này, cần rút ra bài học cho Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát nợ. Việt Nam nên đánh giá lại các khoản nợ vay nước ngoài, đồng thời cần rà soát lại các đại dự án còn chưa rõ ràng lỗ, lãi. Đặc biệt, tình trạng vỡ nợ trái phiếu ở Việt Nam cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra, khi mà các nhà phát hành trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản, không có dòng tiền vào để có thể trả nợ.

Đồng thời, Bộ Tài chính nên thanh tra tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nếu thấy doanh nghiệp nào đang đứng trên bờ vực phá sản, thì cần có biện pháp phản ứng kịp thời.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng/diendandoanhnghiep.vn