Khủng hoảng dân số do Covid-19 kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới

Tác động từ đại dịch Covid-19 lần này có thể tạo thành một "vết sẹo" đối với sự gia tăng dân số, có ảnh hưởng sâu rộng hơn so với các giai đoạn bất ổn kinh tế trong lịch sử. (Nguồn: The Sidney Morning Herald)

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, dân số giảm có vẻ là một xu hướng đáng hoan nghênh trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và an ninh lương thực. Tuy nhiên, giờ đây, xu hướng tăng trưởng dân số chậm lại hoặc thậm chí dân số suy giảm đang chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh kéo dài.

Khi động lực kinh tế giảm dần

Phải đến thế kỷ XIX, dân số toàn cầu mới đạt được ngưỡng 1 tỷ người, và kể từ sau đó đã tăng lên một cách nhanh chóng. Dân số thế giới đã tăng thêm 1 tỷ người trong những năm 1920, và gần 6 tỷ người trong 100 năm sau đó. Sự bùng nổ này đã kéo theo rất nhiều lo ngại.

Tuy nhiên, hầu hết các dự báo trước đại dịch đều cho rằng dân số toàn cầu sẽ ổn định vào nửa sau của thế kỷ XXI. Một số nhà phân tích lập luận rằng dân số sẽ không chỉ ổn định mà còn suy giảm. Tỷ lệ sinh giảm là một xu hướng rõ ràng ở các nền kinh tế giàu có và mới nổi.

Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng dân số yếu, vốn đã bị kìm hãm bởi sự sụt giảm tỷ lệ sinh trong suốt thập kỷ qua, đang giảm xuống gần bằng 0 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong năm 2020, khoảng một nửa trong tổng số 50 tiểu bang ở Mỹ ghi nhận tỷ lệ người chết nhiều hơn số trẻ được sinh ra.

Các ước tính ban đầu cho thấy, tổng dân số Mỹ chỉ tăng 0,35% trong năm kết thúc vào ngày 1/7/2020, mức thấp nhất từng được ghi nhận và dự kiến tỷ lệ này sẽ gần như không đổi trong năm nay.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), 2020 là năm mà các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ khi cơ quan chức năng bắt đầu thực hiện việc lưu trữ số liệu tử vong. Một trong các nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19.

Dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ sinh suy giảm. Kể từ năm 2012, số ca tử vong tại 27 quốc gia thuộc EU luôn cao hơn số trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, dân số EU trong giai đoạn 2001-2019 tăng 4% do người nhập cư tăng.

Không chỉ các quốc gia phát triển đang đối mặt với tình trạng "lão hóa dân số", các thống kê gần đây của Trung Quốc cũng cho thấy bước ngoặt dân số của nước này đang đến gần.

Mặc dù tổng dân số của Trung Quốc vẫn tăng trong năm 2020, nhưng số trẻ sinh ra trong 3 năm qua giảm liên tiếp. Năm 2020, tỷ lệ sinh giảm xuống còn 8,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1952 khi Trung Quốc bắt đầu lưu trữ số liệu dân số. So với mức tăng 10,48% của năm 2019, tỷ lệ sinh năm 2020 gần như lao dốc thẳng đứng.

Richard Jackson, Chủ tịch Viện Lão hóa Toàn cầu (Global Aging Institute), một nhóm nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận cho biết: "Nền kinh tế thế giới phát triển trong hai thế kỷ qua được xây dựng dựa trên sự mở rộng nhân khẩu học. Chúng ta không còn có lợi thế kinh tế và địa chính trị lâu dài này nữa".

Nỗ lực tìm giải pháp

Tăng trưởng dân số là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quy mô của thị trường lao động, sức mạnh kinh tế cũng như sự phân bổ ngân sách của một quốc gia.

Ngay cả trước Covid-19, nhân khẩu học đã trở thành một trong những vấn đề nan giải ở nhiều quốc gia. Tác động từ đại dịch Covid-19 lần này có thể tạo thành một "vết sẹo" đối với sự gia tăng dân số, có ảnh hưởng sâu rộng hơn so với các giai đoạn bất ổn kinh tế trong lịch sử.

Suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng mất việc làm, thu nhập giảm và những bất ổn lớn do đại dịch Covid-19 gây ra là những lý do khiến nhiều cặp đôi trì hoãn việc kết hôn hay sinh con.

Không chỉ Mỹ và các nước châu Âu, Trung Quốc cũng đang đối mặt với những thay đổi lớn về nhân khẩu học. (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, phụ nữ ngày càng có xu hướng kết hôn ở độ tuổi lớn hơn và điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của họ. Số lượng sinh giảm có nghĩa là số lượng lao động ngày càng ít đi và số lượng người nghỉ hưu tăng lên nhanh chóng, tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế và phúc lợi xã hội.

Để ứng phó với tình trạng già hóa dân số và duy trì lợi thế nguồn nhân lực, nhiều quốc gia đã đưa ra các chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh như cung cấp các khoản trợ cấp sinh đẻ, chăm sóc trẻ em, nghỉ phép có lương, và xây dựng hệ thống trường mầm non ở các địa phương.

Trung Quốc mới đây cho phép cặp vợ chồng ở nước này sinh con thứ 3. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, các chính sách khuyến khích sinh con đã không có tác dụng ở các xã hội như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc).

Ngay cả việc bù đắp các tác động của nhân khẩu học cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một số chính phủ quyết định nâng tuổi nghỉ hưu hoặc tăng tỷ lệ đóng góp cho chương trình bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không dễ được thực hiện do vấp phải sự phản đối của các đảng phái chính trị và người dân.

Các chuyên gia khuyến nghị, để giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động, các quốc gia có thể xây dựng chính sách thu hút người nhập cư nước ngoài.

Tại Mỹ, người nhập cư, chiếm từ 1/3 đến 1/2 mức tăng dân số của nước này trong thập kỷ qua, đang gia tăng trở lại vì chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nới lỏng một số hạn chế vốn được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Sự thay đổi nhân khẩu học đòi hỏi các nước cải cách cơ cấu kinh tế để duy trì tăng trưởng lâu dài, ví dụ như cần có các công nghệ tiên tiến để thay thế sức lao động của con người.

Hơn nữa, việc nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh thông qua nền kinh tế sáng tạo và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là những giải pháp quan trọng.

(theo The Economist, CNBC)