Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh

Theo ông Lê Việt Sỹ, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 có nhiều điểm mới. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; sửa đổi một số quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối TCTD bên cạnh yêu cầu chặt chẽ về quản trị, điều hành. Hoàn thiện các quy định về hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Luật cũng bổ sung 1 chương về Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngân hàng này vì mục tiêu thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Hoàn thiện quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như đáp ứng các yêu cầu về tài chính, hạch toán, kế toán theo chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý TCTD yếu kém; hoàn thiện quy định về quản lý Nhà nước, trong đó tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát của ân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Luật Các TCTD năm 2024 cũng đã bổ sung một số quy định khác như về các hành vi bị cấm; bảo vệ quyền lợi khách hàng; chỉnh lý quy định về giấy phép để giảm thiểu thủ tục hành chính.

Các chuyên gia nhận định, Luật Các TCTD sẽ tạo hành lang pháp lý triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử, ông suy nghĩ sao về nhận định này?

Đúng vậy.

Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung quy định này để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử. Trong đó, Luật quy định khá rõ về trách nhiệm xây dựng, ban hành quy định nội bộ đối với hoạt động nghiệp vụ của TCTD, bao gồm các việc: Thực hiện hoạt động nghiệp vụ bằng phương tiện điện tử; quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; quy định hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử.

Ngoài ra, Luật Các TCTD năm 2024 cũng giao Chính phủ quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, tạo cơ sở để Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng.

Một nội dung được người dân và các TCTD quan tâm chính là quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Quy định mới hiện nay có khác gì so với những quy định trước đó?

Luật Các TCTD năm 2024 đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu… Đồng thời, Luật Các TCTD năm 2024 cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội nhưng không luật hóa tại Luật Các TCTD, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.

“Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay” là một nội dung khác khá quan trọng và có tính thời sự trong Luật này. Ông đánh giá như thế nào về sự quyết liệt của quy định này?

Luật Các TCTD năm 2024 nghiêm cấm hành vi “các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Đây là một quy định mới so với Luật Các TCTD hiện hành, quy định này được đánh giá là cần thiết để góp phần quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động bán các loại bảo hiểm cũng như ngăn chặn tình trạng các TCTD ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm trái với nhu cầu và ý muốn của họ khi tiếp cận các khoản vay.

Ngân hàng Nhà nước đã làm gì để chấn chỉnh tình trạng trên?

Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại trên địa bàn và xây dựng quy trình xử lý kiến nghị, phản ánh. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhận được 6 phản ánh, kiến nghị về bảo hiểm qua đường dây nóng, sau khi tiếp nhận Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã giải quyết nhanh chóng, theo đúng quy trình và định kỳ báo cáo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định.

Đồng thời đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động bảo hiểm đến các TCTD trên địa bàn, lồng ghép nội dung thanh tra hoạt động đại lý bảo hiểm trong kế hoạch tiến hành thanh tra đối với 4 đơn vị trong năm 2023. Dù Luật Các TCTD năm 2024 chưa có hiệu lực thi hành nhưng chi nhánh đã rất quyết liệt với vấn đề này, nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh (ghi)