Kinh tế 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững

Ngày 15/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo với hình thức trực tuyến về “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”. Hội thảo có sự hỗ trợ của Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Phát biểu khai mạc, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM khẳng định: Trước những diễn biến, tình huống dịch bệnh tiếp tục phức tạp, Chính phủ đã nhanh chóng bắt tay vào điều hành phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vắc-xin... Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội.

Theo đó, tập trung hướng tới 3 ưu tiên quan trọng bao gồm: bảo đảm sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững; thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất.

Đáng chú ý nữa là việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế với nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới, mô hình phát triển kinh tế bền vững…

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tuyến (Ảnh: HNV)

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, thay mặt nhóm nghiên cứu CIEM báo cáo khái quát kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, trong đó khẳng định, kinh tế toàn cầu có phục hồi rõ nét hơn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt rủi ro về lạm phát và nợ công. Đáng mừng là, tác động của dịch bệnh càng khiến tư duy phục hồi xanh hướng tới phát triển bền vững càng mạnh mẽ hơn.

Cũng theo ông Dương, bước vào đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đợt dịch với những diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư từ cuối tháng 4 đến hết quý II đã gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế. Rút kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, Chính phủ đã tiếp cận điều hành trong đợt dịch thứ tư đã có sự linh hoạt cần thiết để vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Hai kịch bản dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2021

Báo cáo của CIEM tại Hội thảo lần này đã cập nhật kết quả dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 theo hai kịch bản. Trong Kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường. Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong Kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021 và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức cao hơn. Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9% theo Kịch bản 1, và 6,2% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4% trong Kịch bản 1 và tăng 18,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 2,6% và 2,8%.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như khả năng kiểm soát dịch; tiến độ giải ngân đầu tư công; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số; khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới; và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ.

Báo cáo của CIEM còn đưa ra một số đánh giá và định hướng chính sách với vấn đề di cư trong nước ở góc độ giới. Thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, kéo theo thay đổi cơ cấu lao động và gia tăng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị. Trong quá trình đó, những vấn đề liên quan đến lao động di cư, thu nhập, và các vấn đề xã hội của người di cư ở góc độ giới được nhìn nhận và phân tích. Báo cáo cũng đề xuất chính sách nhằm lồng ghép các yếu tố giới trong tái cơ cấu kinh tế, nhấn mạnh đến hạ tầng (cả cứng và mềm) đối với các địa phương tiếp nhận lao động di cư và cả địa phương có lao động xuất cư.

Các chuyên gia kinh tế phân tích trong thách thức sẽ có cơ hội cho kinh tế phát triển (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: HNV)

Tiếp tục duy trì hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Thảo luận tại Hội thảo cho thấy thực tế 6 tháng đầu năm 2021, bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế không thực sự thuận lợi hơn so với năm 2020. Chính phủ mới đã khẩn trương vào nhịp điều hành, kế thừa khung chính sách đã có trong năm 2020 và đi trực diện, linh hoạt hơn vào xử lý những vấn đề về phòng dịch và phục hồi kinh tế, có cân nhắc nhiều đề xuất mới một cách cầu thị, quyết liệt hơn. Trong bối cảnh đó, Hội thảo nhấn mạnh yêu cầu định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách chính sách kinh tế; trong đó bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững; hoàn thiện tư duy về nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; nhanh chóng hoàn thiện căn bản khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo nói chung và kinh tế số nói riêng.

Các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo cũng thống nhất cao rằng, dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi kết nối toàn cầu nhưng đặc biệt lưu ý tới sự trỗi dậy của khối tư nhân, nhất là tái cấu trúc vô cùng mạnh mẽ của khu vực kinh tế doanh nghiệp tư nhân này, từng bước thiết lập một thế hệ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có quy mô vốn trung bình cao hơn, ứng dụng công nghệ số và khoa học công nghệ cao hơn. Đầu tư tư nhân được kỳ vọng có cải tổ mạnh mẽ, hầu hết đều nhất trí rằng “trong thách thức vẫn có cơ hội”. Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước cần rút kinh nghiệm từ các gói cứu trợ trước để gói hỗ trợ người lao động tới đây triển khai hiệu quả hơn, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt khó và từng bước phục hồi./.

Lê Anh