Kinh tế thế giới nổi bật tuần (30/7-5/8): Người Mỹ bắt đầu dùng tiền tiết kiệm, Trung Quốc phục hồi nhanh, nước G7 duy nhất bị hạ dự báo tăng trưởng

Kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (30/7-5/8): Người Mỹ đã bắt đầu tiêu vào tiền tiết kiệm. (Ảnh minh họa - Nguồn: thesimpledollar.com)

IMF giữ nguyên dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới

Tại báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 22/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng kinh tế thế giới 6% dự đoán hồi tháng 4 và đạt mức 4,9% vào năm sau. IMF nhận định các nền kinh tế tiếp tục có sự hồi phục dù không đồng đều do kết quả tiêm vaccine khác nhau.

Cụ thể, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ lên một mốc đáng kể, 7,0% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022 (tăng lần lượt 0,6 và 1,4% so với dự báo vào tháng 4), nâng dự báo khu vực sử dụng đồng Euro lên 4,6%, Canada lên 6,3%, Anh lên 7%.

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ bị hạ xuống 9,5% (giảm 3% so với dự báo vào tháng 4), Trung Quốc giảm còn 8,1%, các nền kinh tế mới nổi của châu Á giảm còn 7,5%, ASEAN còn 4,3%.

Theo IMF, các nền kinh tế trên toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới, dễ lây lan, khiến các quốc gia phải áp đặt lệnh hạn chế di chuyển và các lệnh khiến hoạt động kinh tế bị trì trệ. (IMF)

Nhật Bản phát triển thuốc chống Covid-19

Công ty dược Shionogi của Nhật Bản đang phát triển một loại thuốc chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 với mục tiêu là trung hòa được virus trong cơ thể người bệnh chỉ sau 5 ngày sử dụng.

Trước đó, hai hãng dược lớn Pfizer của Mỹ và Merck của Đức đã bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối về thuốc điều trị Covid-19. Pfizer cho biết thuốc viên dùng đường uống của hãng có thể sẵn sàng để đưa ra thị trường ngay trong năm nay.

Merck cho biết, thuốc đặc trị Molnupiravir đã thành công trong việc giảm lượng virus trong bệnh nhân Covid-19 và có thể giảm bớt nguy cơ bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Công ty này đã ký thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD với chính phủ Mỹ (khoảng 700 USD một liệu trình) để cung cấp thuốc Molnupiravir nếu Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn.

Cả ba hãng dược trên đều đang chạy đua với thời gian để lấp đầy một trong những khoảng trống lớn nhất của cuộc chiến chống đại dịch. (WSJ)

Kinh tế Mỹ

* Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP quý II/2021 của Mỹ là 6,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo 8,4%. Việc mức tăng trưởng không đạt mức kỳ vọng được cho là do tác động từ chuỗi cung bị hạn chế dù chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đạt mức tăng lên 11,8%, lớn thứ hai kể từ năm 1952.

Báo cáo cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần khắc phục được các thiệt hại do đại dịch gây ra. Chỉ số tiết kiệm của người dân Mỹ cũng đã giảm từ 20,8% trong quý I/2021 xuống còn 10,9% trong quý II, cho thấy người dân đã bắt đầu tiêu vào nguồn tiền tiết kiệm. (TG&VN, Bloomberg)

* Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các chương trình mua sắm chính phủ liên bang nhằm thúc đẩy chương trình “Mua hàng Mỹ” (Buy America). Đề xuất trên được cho là sẽ giúp chính quyền đẩy nhanh các nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung do tác động của dịch Covid-19.

Theo luật hiện hành, các sản phẩm có thể được thông qua nếu 55% tỷ lệ giá trị thành phẩm được sản xuất tại nước Mỹ, song Nhà Trắng đang có ý định nâng tỷ lệ trên lên mức 60% và tăng dần lên mức 75% trong 8 năm tiếp theo. (TG&VN, Financial Times)

* Ngày 30/7, Thượng viện Mỹ bất ngờ hoãn bỏ phiếu dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, gây trở ngại với ưu tiên của Tổng thống Joe Biden trong việc tu bổ mạng lưới cầu đường. Các Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa lo ngại về những tác động đến tốc độ đường truyền Internet băng thông rộng và cần văn bản luật thực tế về gói đầu tư trên trước khi tiến hành bỏ phiếu.

Gói đầu tư trên bao gồm khoản chi mới 550 tỷ USD và khoản chi cho việc tháo dỡ các đường ống nước mạ chì, mở rộng mạng lưới Internet băng thông rộng và cơ sở hạ tầng dành cho xe điện. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi nhanh sau đại dịch. GDP của Trung Quốc nửa đầu năm tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái và bình quân hai năm là 5,3%, tăng nhanh hơn quý I là 0,3%, cho thấy sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đã về mức trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Ngành dược phẩm và điện tử Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc. Giá trị sản xuất của ngành dược phẩm tăng 80,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tăng trưởng bình quân hai năm là 40%. (Nhật báo Nhân dân)

* Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp lớn của nước này tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu thị trường phục hồi ổn định và hiệu quả kinh doanh được cải thiện.

Theo đó, các công ty công nghiệp có doanh thu hàng năm từ 20 triệu NDT (3,09 triệu USD) trở lên đã đạt tổng lợi nhuận 4,22 nghìn tỷ NDT trong giai đoạn này, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II/2021, lợi nhuận của các công ty này đã tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2019. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Ủy ban châu Âu vừa phê chuẩn chương trình trợ cấp trị giá 30,5 tỷ Euro của Pháp nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, giúp nước này đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo mà không gây bóp méo thị trường, đồng thời đóng góp vào mục tiêu trung hòa carbon của Liên minh châu Âu đến năm 2050.

Gói hỗ trợ này của chính phủ Pháp được cho là sẽ hỗ trợ “chuyển đổi sang nguồn cung năng lượng bền vững với môi trường, hài hòa với các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh Châu Âu”, “vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, vừa duy trì tính cạnh tranh trong thị trường năng lượng của Pháp”. (Ủy ban châu Âu)

* Theo báo cáo mới nhất của Eurostat, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý II/2021 tăng trưởng 2%, cao hơn so với Mỹ (1,6%) và Trung Quốc (1,3%), nhanh hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh các doanh nghiệp được mở cửa trở lại.

Tỷ lệ lạm phát cũng được ghi nhận ở mức 2,2%, cao hơn so với ngưỡng mục tiêu của ECB là tiệm cận 2%. Italy và Tây Ban Nha là những nước tăng trưởng quý II/2021 cao nhất, lần lượt tăng 2,7% và 2,8% so với quý trước).

Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai EU chỉ tăng trưởng 0,9% do chịu tác động đợt dịch mới với biến thể Delta, làm gián đoạn sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Trong khi đó, Đức tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng, đạt 1,5% so với quý I trong bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng. (Reuters, Le Monde)

* Trong cuộc làm việc tại Điện Kremlin với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 4/8, Tổng Giám đốc tập đoàn Rosatom Alexei Likhachev thông báo, Rosatom sản xuất kỷ lục 215,7 tỷ kWh điện hạt nhân năm 2020.

Ông Likhachev đã báo cáo với Tổng thống Putin về các thông số hoạt động chính của tập đoàn nhà nước này và các dự án mới. Theo ông, trong nửa đầu năm 2021, động lực tích cực vẫn duy trì trong tất cả các chỉ số.

Tổng Giám đốc Likhachev bày tỏ hy vọng năm nay Rosatom sẽ sản xuất lượng điện kỷ lục 220 tỷ kWh. Tập đoàn dự kiến sẽ thu về 1,5 nghìn tỷ Ruble (20,6 tỷ USD) vào cuối năm nay. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* IMF hạ dự báo tăng trưởng Nhật Bản năm 2021 xuống còn 2,8% do nước này vẫn đang vật lộn kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Nhật là nước G7 duy nhất bị giảm dự báo tăng trưởng. (Bloomberg, Japan Times)

* Chỉ số nhà quản trị mua hàng IHS PMI tháng 7 của Nhật Bản đạt 53 điểm, tăng 0,6 điểm so với tháng trước liền kề, cho thấy sản lượng công nghiệp của các nhà máy tăng lên theo lượng đơn đặt hàng mới và mở rộng sản lượng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là logistics và nguyên liệu đầu vào, sản lượng công nghiệp Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm tốc trong quý II-III/2021. (Reuters)

* Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới sửa đổi” của IMF công bố ngày 27/7, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2021 được dự báo đạt 4,3%, cao hơn 0,7% so với số liệu đưa ra hồi tháng 4 và so với bình quân của các nước phát triển khác. Lý do IMF nâng dự báo triển vọng kinh tế Hàn Quốc được cho là cân nhắc đến đà phục hồi kinh tế nhanh chóng và xuất khẩu tăng mạnh. (Yonhap News)

Chỉ số nhà quản trị mua hàng IHS PMI tháng 7 của Nhật Bản đạt 53 điểm, tăng 0,6 điểm so với tháng trước liền kề, . (Nguồn: KT/VOV)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 30/7, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đang phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc chuẩn bị xây dựng Trung tâm sản xuất vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu sản xuất vaccine công nghệ DNA và mRNA tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trước đó, sáng kiến đưa Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực và thế giới đã được Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đề xuất tại cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 4/2021. Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này, đồng thời cam kết hỗ trợ Jakarta thực hiện sáng kiến. (TTXVN)

* Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), tỷ lệ lạm phát trong nửa đầu năm nay của Campuchia ở mức 2,5%, thấp hơn 0,6% điểm phần trăm so với mức 3,1% được ghi nhận trong nửa cuối năm 2020.

NBC dự báo tỷ lệ lạm phát nửa cuối năm nay của Campuchia trong khoảng 2,5-2,8%, với dự trù mức giá tăng cao của những danh mục hàng hóa không ổn định như thực phẩm, các sản phẩm liên quan tới xăng dầu và dịch vụ. (TTXVN)

* Theo Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI), kim ngạch thương mại của Malaysia tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 6/2021 khi đạt 188,7 tỷ Ringgit, tương đương 44,55 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm dầu mỏ, sản phẩm điện và điện tử, cao su. Trong tháng 6, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thặng dư thương mại 22,24 tỷ Ringgit, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. (TTXVN)

* Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) nhận định làn sóng Covid-19 thứ ba hiện nay sẽ khiến ngành du lịch nước này gần như không thể đạt được mục tiêu doanh thu 850 tỷ Baht (khoảng 25,8 tỷ USD) trong năm 2021.

TAT đã đưa ra ba kịch bản khả thi cho năm 2022. Trường hợp xấu nhất: Tổng doanh thu sẽ ở mức 1.300 tỷ Baht nếu Thái Lan đón 10 triệu lượt khách du lịch nước ngoài và có 122 triệu chuyến đi trong nước.

Thái Lan đã bắt đầu thí điểm mở cửa cho khách du lịch quốc tế được tiêm chủng đầy đủ thông qua chương trình “Hộp cát Phuket” và “Mô hình Samui+” từ tháng trước. (TTXVN)