Kinh tế thương mại có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng

Xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với mức gần 30 tỷ USD

Năm 2023, kinh tế thế giới vô cùng khó khăn, thách thức tác động đến nước ta. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao...

Theo đánh giá của ộ Công thương, kinh tế nước ta đã xuất hiện những chỉ dấu của sự phục hồi, tạo đà phục hồi tăng trưởng trở lại trong năm 2024.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD. Ảnh: minh họa

Chỉ dấu thứ nhất là trong khó khăn suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu các nước suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, nước ta vẫn đạt được kết quả tích cực trong hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.

Về xuất nhập khẩu, trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp đã tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022; góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Chỉ dấu nữa được Bộ Công thương và các chuyên gia kinh tế chỉ ra là trong năm 2023, trong khó khăn nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi, duy trì đà tăng tích cực như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh...

Với đóng góp này đã giúp cho giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhận diện thách thức để vượt qua, lấy lại đà tăng trưởng

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong năm 2023 của Bộ Công thương đưa ra, trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thẳng thắn nhìn nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới bắt đầu phục hồi từ cuối quý III/2023 trở lại đây. Lo ngại nữa là các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao.

Thách thức nữa sẽ phải đối mặt trong năm 2024 là xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là những yếu điểm cần sớm khắc phục.

Tăng cường xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế các FTA gia tăng xuất khẩu hàng Việt. Ảnh: minh họa

Nhận diện được thách thức, ông ễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay, ngay từ đầu năm 2024, ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho hàng Việt trên cả thị trường trong nước và nước ngoài thông qua việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA).

Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế đất nước.

Năm 2024, nhằm gia tăng dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công thương đề ra giải pháp, tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư. Đồng thời, ngành này cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Song Linh