Lạm phát chịu nhiều áp lực

Nhiều yếu tố tác động

Báo cáo về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam cho cả năm 2021 do Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố mới đây dự báo rằng, cầu tiền sẽ không tăng đột biến trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm nội địa đang dần bình ổn. Ngoài ra, nỗ lực hỗ trợ phòng, chống dịch vẫn được thể hiện xuyên suốt như hỗ trợ giảm giá điện cho một số đối tượng đến tháng 12/2021; giá nước, y tế, giáo dục vẫn hoàn toàn nằm dưới sự điều hành của Chính phủ. Chính sách tiền tệ giảm thiểu tối đa các tác động của lạm phát tiền tệ cũng là yếu tố thuận lợi.

Cần theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường

Tuy nhiên, song song với thuận lợi, VCBS cũng chỉ rõ một số áp lực tác động lên mức tăng của lạm phát. Cụ thể, nhu cầu mua sắm tăng trước lễ, Tết sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát vào nửa cuối năm. Đặc biệt, giá nguyên vật liệu đang phải chịu áp lực tăng theo giá thế giới, cùng chi phí vận chuyển liên tục tăng mạnh cũng là yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, lạm phát nhóm giao thông nhiều khả năng sẽ tăng khi hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhu cầu di chuyển của người dân trở lại sau giãn cách xã hội và khi mức độ tiêm vắc - xin đã được phổ biến.

Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021” diễn ra mới đây, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - chỉ ra, xu hướng giá cả của một số loại hàng hóa thiết yếu vẫn ở mức cao. Điều này sẽ tác động đến CPI nói chung. Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, ví dụ như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế.

Không chủ quan

Các báo cáo nghiên cứu và đánh giá của một số chuyên gia cho rằng, khả năng kiểm soát lạm phát trong nửa cuối năm vẫn có thể đạt được nếu triển khai tốt các giải pháp đề ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng ta không được chủ quan với lạm phát. Theo đó, điều quan trọng nhất cần theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục các giải pháp gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2021. Tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định. Cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Chính phủ đang chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành giá bảo đảm mục tiêu CPI cả năm tăng không quá 4%.

Bảo Ngọc