Lạm phát và tỷ giá 'cản bước' Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, yếu tố nào hỗ trợ lãi suất cho vay giảm?

Có thể nói, 3 tháng cuối năm được xem là “chặng nước rút” để ngành ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay trong bối cảnh tín dụng 8 tháng đầu năm tăng trưởng ở mức thấp. Tính đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 5,33%, mặc dù đã tăng trở lại sau khi giảm (so với tháng trước) trong tháng 7 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (9,87%).

NIM các ngân hàng Việt từ 3 - 3,5%, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất cho vay

Giải pháp được ngành ngân hàng triển khai mạnh mẽ nhất đó là giảm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời các ngân hàng thương mại cũng liên tục giảm lãi suất huy động, từ đó có dư địa giảm lãi suất cho vay. Gần đây nhất là hai ngân hàng quốc doanh Agribank và Vietcombank đã giảm mức lãi suất huy động 12 tháng xuống đến 5,5%/năm - ngang giai đoạn thấp kỷ lục vì Covid-19. Trong những tháng còn lại của năm, thông điệp “giảm lãi suất” vẫn tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo tới ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, chia sẻ gần đây của các chuyên gia và công ty chứng khoán cho thấy, hiện nay hai yếu tố về tỷ giá và lạm phát không thuận để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành. MBKE dự báo nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách thay vì cắt giảm thêm, do rủi ro về áp lực tỷ giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Ngoài ra, NHNN lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới nợ xấu cao hơn và bất ổn hệ thống ngân hàng trong dài hạn.

Đồng tình với nhận định từ nay đến cuối năm khá khó để NHNN hạ lãi suất, nhưng bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán MB (MBS), cho rằng vẫn có thể nhìn thấy được nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Bà Hiền phân tích, mặc dù biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng giảm so với năm ngoái, nhưng tỷ lệ này vẫn ở 3 - 3,5%, cao hơn so với các thị trường mới nổi trong khu vực là Thái Lan hoặc Malaysia chỉ khoảng 2 - 2,5%. Với tỷ lệ này đủ để cho phép các cơ quan quản lý hạ thêm lãi suất cho vay.

Nhận định về xu hướng NIM của các ngân hàng, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán TPS kỳ vọng NIM trung bình ngành sẽ cải thiện hơn nửa đầu năm, nhờ vào 3 yếu tố. Thứ nhất, lãi suất điều hành kỳ vọng tiếp tục giảm dẫn đến lãi suất huy động giảm, đồng thời các khoản tiền gửi có lãi suất cao với kỳ hạn thông thường 6-12 tháng sẽ dần đáo hạn giúp hệ thống giảm được chi phí huy động vốn.

Thứ hai, tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng xuống còn 1,5% và tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống còn 0,5% đến hết tháng 1/2024 giúp các ngân hàng giảm áp lực thanh khoản, có dư địa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, khuyến khích tăng trưởng tín dụng.

Thứ ba, các ngân hàng tập trung gia tăng tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân và tỷ lệ CASA kỳ vọng cải thiện giúp tăng khả năng sinh lời tài sản.

Các chuyên gia VCBS dự báo NIM toàn ngành sẽ chậm lại xu hướng giảm, nhưng có khả năng cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất huy động giảm.

Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tăng cho vay khách hàng doanh nghiệp và huy động từ khách hàng cá nhân sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi (ít nhất đến quý III/2023). Vì vậy trong năm 2023, NIM của các ngân hàng thương mại cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng và huy động chỉ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng sẽ giảm mạnh hơn mức chung toàn ngành.

Ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng từ liên ngân hàng, khách hàng cá nhân, CASA cao… như VIB, HDBank, MB… sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp. Riêng với Sacombank, NIM sẽ cải thiện đáng kể nhờ không còn áp lực lãi dự thu.

Thanh Hoa