Lênh đênh… 'phận cò' (Kỳ 1: Siết chặt cơ chế, cò… đắp chiếu)

Dự án bất động sản “đứng bánh” kéo theo nghề “cò đất” thất nghiệp.

Anh Nguyễn Sanh (1975, trú H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trao đổi: “Năm 2015, khi thị trường đất ở “nóng” lên từng ngày, tôi hùn vốn cùng một số người bạn lập thành nhóm mua bán bất động sản. Tuy nhiên, việc mua bán tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chúng tôi chuyển sang công việc môi giới. Mỗi ngày, chỉ cần “giúp” người khác mua được 1 lô đất là 5 người trong nhóm sẽ kiếm được tiền triệu hoặc hơn thế”…

Anh Sanh nói không ngoa, thu nhập của giới “cò” lúc ấy hấp dẫn nhiều người. Một số cán bộ, công chức Nhà nước đã xin nghỉ việc, tham gia đội ngũ môi giới đất đai hoặc tranh thủ những lúc rỗi “nhảy cóc” một vài vụ. Để có thể mua mau, bán đắt những “cò” đất thường sử dụng các chiêu trò, như: tô hồng dự án, đồn thổi những thông tin không có thật để đẩy giá, thu hút những nhà đầu tư mù mờ về thông tin gây ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND TX Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết: trước tình hình trên, đầu năm 2020 và 2021 chính quyền tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường công tác quản lý tình hình bất động sản. Cụ thể, yêu cầu các cơ quan như: xây dựng, tài nguyên môi trường, Công an, Thanh tra, các chủ dự án và chính quyền các cấp thực hiện việc theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường. Thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Ngoài ra, áp dụng các chế tài hành chính đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng huy động vốn theo dạng “bán lúa non” dưới các hình thức, như đặt chỗ, góp vốn tại các dự án.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền của các địa phương cộng với sự suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19, thị trường bất động sản tại các địa phương ven biển miền Trung trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết, đánh dấu sự chấm hết cho các “cò” đất.

Đối tượng Phan Đình Tín bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam bắt về hành vi lừa đảo.

Theo tìm hiểu, nhiều trường hợp bỏ công việc làm “cò” đất, đến hiện tại không còn “lối” quay về. Anh Văn Đ. (trú Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), cho biết, là thợ lành nghề, mỗi ngày hớt tóc có thể kiếm 500 đến 700 ngàn đồng/ngày nên dù không giàu nhưng gia đình vẫn đủ sống. Sau 5 năm làm “cò” đất, nay dù thất nghiệp song anh không thể quay lại nghề cũ vì mất khách hàng quen. Tương tự, với thu nhập ổn định của một công chức Nhà nước, năm 2017, chị P. T.T., (trú TX Điện Bàn) xin nghỉ việc để làm “cò” đất. Ban đầu, cuộc sống gia đình có cải thiện nhưng khi nghề “cò” hết thời, kinh tế khó khăn cũng là lúc gia đình nảy sinh mâu thuẫn… Cá biệt, có nhiều trường hợp sau một thời gian làm “cò” nhưng vì muốn “phất” lên thật nhanh đã đứng ra thành lập sàn giao dịch này, công ty nọ. Tuy nhiên, vì thiếu am hiểu thị trường, hạn chế về pháp luật nên chẳng mấy chốc công ty bị thua lỗ. Để vớt vát, một số đối tượng đã nhắm mắt làm bừa, kết quả bị các cơ quan pháp luật xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ như trường hợp của Phan Đình Tín - Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn BĐS Tín Rin và Công ty TNHH MTV Du lịch Ding Dong bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam bắt để điều tra về hành vi làm giả 6 sổ đỏ để chiếm đoạt 18 tỷ đồng; trường hợp Trần Thị Bình Ph. (1982, trú P. Hải Châu 1, Đà Nẵng), Đặng Lê Nhật T. (1989), trú P. Hòa An, Q, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bị Công an TP Đà Nẵng xử lý về hành vi “chạy” thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở để chiếm đoạt số tiền gần 1,2 tỷ đồng…

M.T(còn nữa)