LHQ đề xuất cách đảm bảo nguồn tài chính hiệu quả ở châu Á-Thái Bình Dương

Ảnh minh họa. (Nguồn: ESCAP)

Chính phủ các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương đang có nhu cầu cấp thiết về nguồn tài chính dài hạn với chi phí lãi vay phù hợp trong bối cảnh nhiều nước đang buộc phải lựa chọn giữa việc đi vay với chi phí trả nợ cao và nhu cầu đầu tư vào giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội cho người dân.

Đây là đánh giá được đưa ra ngày 4/4 trong báo cáo của Ủy ban kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) thuộc ên hợp quốc.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres, các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương đang gặp phải những hạn chế về tài chính, lãi suất vay tăng với thời hạn cho vay ngắn hơn và gánh nặng nợ nần nặng nề.

Theo báo cáo mới nhất, những quan điểm và cách tiếp cận mới có thể giúp giải quyết vấn đề trên. Chẳng hạn như các nhà tài trợ cần đặt nhu cầu tài trợ của các nước đang phát triển lên trên những lợi ích chính trị.

Còn các ngân hàng phát triển đa phương cần cải thiện năng lực cho vay, bao gồm thông qua hoạt động “bơm” vốn mới.

Báo cáo cũng kêu gọi các cơ quan xếp hạng tín dụng cần có tầm nhìn dài hạn và cần nhìn nhận rằng việc đầu tư vào những dịch vụ công cộng phục vụ người dân và vì sự phát triển chung của cộng đồng sẽ nâng cao uy tín tài chính theo thời gian.

Đối với mỗi nước, báo cáo khuyến nghị các nước cần có các biện pháp hiệu quả hơn trong hoạt động thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh số hóa chính sách và quản lý thuế để khuyến khích người dân nộp thuế, đồng thời cần phát triển hơn nữa thị trường vốn trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Theo báo cáo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khu vực được dự đoán sẽ duy trì tương đối ổn định ở mức 4,4% trong cả năm 2024 và 2025, trong khi xu hướng lạm phát và lãi suất không chắc chắn.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế của khu vực cũng gặp trở ngại từ tác động của căng thẳng địa chính trị gia tăng ở những khu vực khác và tình trạng gián đoạn thương mại cũng như sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)