Loạt ngân hàng lãi gấp nhiều lần sau nửa năm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II mới công bố, Kienlongbank cho biết vừa trải qua nửa đầu năm kinh doanh hiệu quả nhất trong lịch sử hoạt động với lợi nhuận cao kỷ lục.

Cụ thể, tính riêng quý gần nhất, Kienlongbank đạt 1.450 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi đi vay) tăng 23%, nhiều khoản thu trong quý của nhà băng này đã tăng tới ba chữ số, như lãi hoạt động dịch vụ tăng 480%, mang về 93 tỷ; lãi hoạt động kinh doanh khác tăng 700%, đóng góp 26,5 tỷ…

Dù một số mảng kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận giảm so với cùng kỳ, Kienlongbank vẫn ghi nhận khoản lãi trước thuế 103 tỷ đồng trong quý II, tăng tới 126% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận tăng ba chữ số

Sau nửa đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của nhà băng này thu về lần lượt lên tới 806 tỷ và 607 tỷ đồng, tăng gấp 7-8 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là kết quả lợi nhuận bán niên cao nhất từ trước đến nay mà Kienlongbank ghi nhận được. Số thu kể trên cũng tương đương với việc ngân hàng đã hoàn thành 81% kế hoạch lợi nhuận năm dù mới đi hết nửa năm tài chính.

Thực tế, Kienlongbank không phải ngân hàng duy nhất có lợi nhuận tăng ba chữ số trong quý II và nửa đầu năm nay.

Báo cáo tài chính của ABBank cũng cho biết nhà băng này đã đạt 1.309 tỷ đồng doanh thu riêng quý II và lãi trước thuế 713 tỷ đồng, tăng lần lượt 67% và 183% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này thu về cũng đạt 1.191 tỷ, tăng 88% và là mức cao kỷ lục.

Tăng trưởng lợi nhuận cao cũng ghi nhận tại PGBank với 93 tỷ đồng trước thuế riêng quý II và 175 tỷ đồng sau nửa năm, tăng lần lượt 166% và 59%. Theo lãnh đạo ngân hàng, kết quả tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II của PGBank đến chủ yếu từ sự gia tăng hiệu quả của hoạt động cho vay và dịch vụ, đây cũng là 2 nguồn thu lớn nhất của ngân hàng hiện nay.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II cũng cho thấy mức tăng trưởng ba chữ số ở chỉ tiêu lợi nhuận quý II hoặc nửa đầu năm.

Trong đó, LienVietPostBank lãi trước thuế 925 tỷ trong quý II, tăng 131% và lãi 2.037 tỷ đồng nửa năm, tăng 103%; SeABank lãi 858 tỷ quý II và 1.556 tỷ nửa năm, tăng lần lượt 138% và 133%; VietBank lãi 202 tỷ, tăng 250%...

Điểm chung của nhóm ngân hàng lãi lớn

Đáng chú ý, trong các ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh quý II và nửa đầu năm nay, ngoài LienVietPostBank và SeABank thuộc nhóm ngân hàng tầm trung trong hệ thống với quy mô tài sản trên dưới 200.000 tỷ đồng, hầu hết nhà băng còn lại đều thuộc nhóm cỡ nhỏ với tổng tài sản không quá 100.000 tỷ và dư nợ cho vay dao động trong khoảng 30.000-40.000 tỷ đồng.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cỡ lớn, với các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, việc duy trì tăng trưởng hai hoặc ba chữ số mỗi năm không phải điều quá khó khăn. Tuy nhiên, với những ngân hàng cỡ lớn, việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận bình quân khoảng 20-30% mỗi năm là một thành công lớn.

“Khi ngân hàng đạt tới một ngưỡng nhất định về tài sản, dư nợ tín dụng, tỷ lệ tăng trưởng các chỉ tiêu này sẽ bắt đầu chậm lại, kéo theo đó là tăng trưởng về lợi nhuận. Con số tăng tuyệt đối có thể cao hơn nhưng tỷ lệ so với nội lực hiện tại của ngân hàng sẽ giảm đi”, vị CEO này chia sẻ.

Thu nhập từ hoạt động cho vay tăng trưởng tốt là nguyên nhân chủ yếu giúp các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa báo lãi tăng gấp nhiều lần trong quý II và nửa đầu năm nay. Ảnh: Nam Khánh.

Ngoài điểm chung kể trên, nhóm ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh nửa năm qua cũng đều ghi nhận tăng trưởng cao ở chỉ tiêu thu nhập lãi thuần - nguồn thu lớn nhất tại hầu hết nhà băng hiện nay.

Cụ thể, để có mức lãi trước thuế tăng gấp đôi nửa năm qua, chỉ tiêu thu nhập lãi thuần cùng giai đoạn tại LienVietPostBank cũng lên tới 46%, tương đương mức tăng ròng hơn 1.300 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Đây đồng thời là chỉ tiêu có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Tại SeABank, mức tăng trưởng này ghi nhận trong 6 tháng vừa qua là 82%, dù thấp hơn các mảng kinh doanh khác về tỷ lệ nhưng thu nhập lãi thuần vẫn là chỉ tiêu tăng mạnh nhất về số thu tuyệt đối với gần 1.100 tỷ đồng so với kỳ trước.

Tương tự, lãnh đạo các ngân hàng khác cũng cho biết, nguyên nhân chính giúp lợi nhuận quý II và nửa năm tăng trưởng cao so với cùng kỳ là do mức tăng tích cực từ hoạt động cho vay và dịch vụ.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng mạnh là yếu tố quan trọng nhất tác động đến lợi nhuận sau cùng của các ngân hàng.

Quang Thắng