Nâng cao đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau nhờ Chương trình MTQG 1719

Đổi thay ở U Minh, à Mau nhờ Chương trình MTQG 1719

Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, cùng với việc hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, huyện U Minh còn tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề và tạo việc làm cho gần 300 lao động là người dân tộc Khmer, hỗ trợ mua dụng cụ sản xuất cho 150 hộ và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án, chương trình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Huỳnh Văn Đen cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, Phòng Dân tộc huyện U Minh tiếp tục làm tham mưu cho UBND huyện, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ vậy, cuối năm 2022, U Minh còn 1.999 hộ nghèo (chiếm 7,64%). Trong đó, hộ nghèo DTTS là 235 hộ (chiếm 15,9%/tổng số hộ DTTS). Năm 2023, huyện U Minh đặt mục tiêu giảm hộ nghèo đa chiều tối thiểu 2,5% và phấn đấu thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo, cũng như phát sinh hộ nghèo mới.

Hạ tầng giao thông nông thôn xã Khánh Lâm, (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) được đầu tư xây dựng khang trang góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc.

Đến các phum sóc Khmer xã Khánh Lâm, huyện U Minh vào những ngày bà con chuẩn bị đón Lễ hội Oóc Om Bóc (từ ngày 26 - 27/11), điều dễ nhận thấy là bộ mặt nông thôn đang ngày một khởi sắc. Nhiều lộ bê tông liên ấp được Nhà nước đầu tư ngày càng phát huy hiệu quả.

Ông Thạch Khuôl, ở ấp 6, xã Khánh Lâm chia sẻ: Những năm qua, nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống cầu, lộ làng thông thoáng nên việc đi lại giao thương hàng hóa của bà con thuận lợi hơn trước rất nhiều, việc đến trường của các cháu học sinh đỡ vất vả hơn. Không chỉ cầu, lộ mà điện, nước, trường, trạm cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư ngày một khang trang, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và đời sống của người dân, từ đó đời sống của đồng bào dân tộc ngày càng được nâng lên rõ nét. Nói chung, đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer ở ấp 6 giờ khá hơn trước nhiều rồi.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ý thức vươn lên của hộ đồng bào DTTS cũng ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực. Tinh thần chịu thương, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất ngày càng được đồng bào DTTS phát huy.

Ông Nguyễn Minh Thông, Chủ tịch xã Khánh Lâm cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719 phần lớn đời sống, sản xuất đồng bào dân tộc Khmer tương đối ổn định, góp phần lớn vào công tác giảm nghèo chung của xã. Một số hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer chủ yếu do không đất sản xuất, nắm được tình hình đó, xã tham mưu cấp trên sắp xếp, bố trí một khu san ghép hỗ trợ đất ở và đất sản xuất. Sau khi đã có nhà ở ổn định, đồng bào dân tộc Khmer chí thú làm ăn, có hộ buôn bán, sản xuất nhỏ tại nhà, có hộ đi làm thu nhập ổn định, nhờ đó mà kinh tế dần phát triển, vươn lên thoát nghèo.

Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc Cà Mau

Năm 2023, Cà Mau phấn đấu giảm hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%. Để thực hiện đạt mục tiêu này, Cà Mau tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững như tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo... với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 119,5 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG 1719 là hơn 30 tỷ đồng. Theo đó, Cà Mau triển khai thực hiện 10 dự án thành phần thuộc chương trình ở các xã, ấp, khóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Cà Mau triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719 gồm Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát...

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, ông Hữu Khuôl ở ấp Tân Hùng, xã Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đầu tư mô hình nuôi dê sinh sản, giúp gia đình ông có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

Để nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG 1719, Cà Mau đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, đặc biệt ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tập trung lồng ghép nguồn lực để đảm bảo đủ vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết: "Đối với chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2023 thực hiện và giải ngân vốn đạt trên 80%; hoàn thành 100% khối lượng công việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề thay cho đất sản xuất và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho đối tượng thụ hưởng thuộc vùng đồng bào DTTS; hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đạt từ 95% trở lên đối với các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng (do cấp huyện làm chủ đầu tư) và đạt 90% trở lên đối với các mô hình, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.

"Ngoài ra, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của đồng bào..." - ông Sử khẳng định.

Có thể nói, với sự đầu tư mạnh mẽ cho vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; góp phần diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cà Mau đổi thay từng ngày, đời sống ngày càng được cải thiện.

Phương Nghi