Nga có biến thành 'Iran thứ hai' dưới hiệu lực các lệnh trừng phạt?

Phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến nhiều công ty nước ngoài rời bỏ thị trường nước này.

Tuy vậy người Nga không bi quan và không tin rằng đất nước của họ sẽ trở thành một "Iran thứ hai". Điều này được viết bởi nhà báo Rami el-Kalyubi của tờ Al-Araby Al-Jadeed, có trụ sở chính tại London.

Tác giả bài viết trên ấn phẩm tiếng Arab cho biết, hàng chục cửa hàng thuộc các thương hiệu nổi tiếng phương Tây đã đóng cửa trong trung tâm mua sắm Evropeisky, nằm gần ga đường sắt ở Moskva.

Nhiều trung tâm mua sắm khác trên khắp lãnh thổ Nga cũng ở trong tình trạng tương tự, nhưng rồi các cơ sở này vẫn hoạt động, do một số hãng nước ngoài không muốn rời thị trường Nga.

IKEA, McDonald's, Coca-Cola, H&M, Hugo Boss, Tommy Hilfiger, Mercedes-Benz, BMW... và một số công ty lớn khác đã thông báo tạm ngừng hoạt động tại Nga. Nhưng người Nga đã nhìn thấy lựa chọn thay thế cho các thương hiệu đã rời đi, vì vậy họ vẫn bình tĩnh.

Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Levada (một tổ chức phi chính phủ ở Liên bang Nga) thực hiện vào đầu tháng 7, chưa đến 50% người dân cảm thấy lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chỉ 27% số người được hỏi bày tỏ lo ngại về việc các công ty quốc tế rút khỏi thị trường Nga. Đồng thời, 70% trả lời rằng tình hình nói trên không làm họ cảm thấy phải bận tâm.

Phương Tây và các đồng minh đã đóng cửa không phận và sân bay của họ đối với các hãng hàng không Nga. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các nước châu Á không ủng hộ những biện pháp hạn chế này.

Hiện Liên minh châu Âu đang thảo luận về khả năng ngừng cấp thị thực cho người Nga. Do đó, dòng khách du lịch sẽ càng bị chuyển hướng đến các quốc gia không thực thi chính sách này.

Bên cạnh đó, phương Tây đang cố gắng cô lập Liên bang Nga và loại bỏ họ khỏi nền kinh tế thế giới bằng cách áp dụng những biện pháp tương tự như các lệnh trừng phạt đối với Iran do chương trình hạt nhân của Tehran.

Các biện pháp trừng phạt chống Nga bao gồm áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với dầu khí của nước này, cũng như cắt một số tổ chức ngân hàng khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Trước tình hình trên, Giáo sư Đại học Kinh tế Moskva - ông Alexander Kuznetsov giải thích rằng vị trí của người Nga tương tự như Iran khi bị trừng phạt. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga khác với Iran ở mức độ đa dạng hóa cao và biên độ mất giá của đồng tiền thấp hơn.

Các biện pháp trừng phạt khác nhau đối với Tehran đã được áp dụng kể từ năm 1979. Phương Tây cũng cáo buộc Iran vi phạm nhân quyền và hỗ trợ khủng bố.

Qua nhiều thập kỷ, Iran đã học cách sống dưới những hạn chế và kinh nghiệm của họ sẽ hữu ích cho Moskva. Tuy nhiên người dân Nga sẽ khó thích nghi với những thay đổi hơn, vì họ đã quen với mức sống cao.

Theo giới phân tích, nếu những biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ dừng ở cấp độ hiện tại thì Nga khó lòng rơi vào "tình trạng Iran", nhưng trường hợp Mỹ và EU gia tăng hạn chế thì sự việc sẽ rất khác và khi đó việc trở thành "Iran thứ hai" là điều hoàn toàn có thể.

Việt Dũng