Nga đăng video UAV tự sát Lancet phá hủy lựu pháo M777 của Ukraine ở Kherson

Video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 29/10 cho thấy quân đội nước này sử dụng máy bay không người lái tự sát Lancet nhắm mục tiêu và phá hủy lựu pháo M777 Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Ngoài lựu pháo M777, UAV tự sát Lancet Nga còn phá hủy tổ hợp phòng không Buk-M1 của quân đội Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông báo đòn tấn công diễn ra gần các thị trấn Vysokopolye và Novogrigorovka ở tỉnh Kherson

Dòng UAV Lancet ra mắt từ năm 2019, có khả năng hoạt động độc lập, không cần sự hỗ trợ từ các hệ thống điều khiển mặt đất hoặc mặt biển.

Thiết kế module cho phép nhà sản xuất trang bị nhiều tổ hợp trinh sát cho Lancet, giúp nó tự phát hiện và bám bắt mục tiêu.

Chủ tịch tập đoàn vũ khí Nga Kalashnikov Alan Lushnikov hồi cuối tháng 9 khẳng định các mẫu UAV nội địa do Zala, công ty con của tập đoàn này, phát triển đang được quân đội Nga tích cực sử dụng.

Một số nhà phân tích nhận định Nga sử dụng UAV tự sát ở Ukraine để cải thiện năng lực tấn công tầm trung chính xác, trong bối cảnh nước này đang cạn kiệt các loại vũ khí dẫn đường thông thường.

Trong khi đó M777 hiện là dòng lựu pháo được coi là mạnh nhất thế giới xét trên tổng tiêu chí đánh giá.

Sức mạnh của chúng nằm ở khả năng tác chiến cơ động với thời gian triển khai nhanh với độ chính xác trong mỗi phát bắn gần như là tuyệt đối.

Bên cạnh đó M777 có thể được triển khai trên nhiều loại địa hình khác nhau, rất thuận tiện cho quân đội sở hữu chúng.

M777 đã chứng minh được năng lực của mình trong suốt thời gian hoạt động tại chiến trường Afghanistan, Syria, Iraq và hiện nay là Ukraine.

Mẫu pháo này cũng có thể dễ dàng được vận chuyển lên các điểm cao bằng trực thăng. Đây là điều mà không có loại pháo nào cùng kích cỡ nòng đáp ứng được.

Được biết M777 là lựu pháo chủ lực của USMC và lục quân Mỹ từ năm 2005, được tập đoàn BAE Systems của Anh phát triển nhằm thay thế mẫu M198 trước đó.

M777 có khối lượng 4,200kg (hiện là pháo dã chiến 155mm có trọng lượng nhẹ nhất thế giới, nhẹ hơn 41% so với M198 nhờ sử dụng rộng rãi titan).

Thời gian triển khai: 2 phút 10 giây; thời gian thu pháo: 2 phút 23 giây; có chiều dài 10,7m khi tác chiến và 9,5m khi hành quân; kíp chiến đấu gồm 5-7 thành viên (so với 9 của M198).

M777 có thể được vận chuyển bằng trực thăng, máy bay vận tải hoặc được kéo bởi các phương tiện vận tải có trọng lượng trên 2,5 tấn.

Như thế M777 có khả năng cơ động hơn rất nhiều so với các loại pháo tương tự của Nga - lợi thế trong tác chiến sơn cước, dễ triển khai tại khu vực bờ biển để chống đổ bộ.

M777 có thể bắn 2 phát/phút, khi cần - 5 phát/2 phút với hệ thống khai hỏa điện tử; sử dụng được nhiều loại đạn để tấn công các loại mục tiêu khác nhau; tầm bắn ngắn nhất là 24km; với đạn tăng tầm (ERFB) - 30 km, và đạn thông minh M982 Excalibur dẫn đường bằng GPS - tới 40 km.

M777 là một trong số ít những dòng pháo có nòng được mạ crom (tăng thời gian khai thác đến 50%, dễ dàng lau chùi và tăng độ chính xác cho mỗi phát bắn trong điều kiện chiến trường ác liệt).

M777 sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số tương tự lựu pháo tự hành M109A6 Palladin để dẫn hướng, chỉ điểm và tự định vị. Điện được cung cấp bởi một động cơ hybrid điện-quay mới, độc đáo do Liquid Piston thiết kế và chế tạo.

M777 có một số biến thể, đầu tiên là biến thể M777A1, chúng có bộ điều khiển hỏa lực; pháo được nâng cấp số hóa, bổ sung nguồn điện, định vị toàn cầu bằng vệ tinh, dẫn hướng bằng quán tính, radio kỹ thuật số.

Tiếp đến là phiên bản M777A2, đây là biến thể được nâng cấp phần mềm Block 1A, bổ sung ngòi cảm ứng di động pháo binh nâng cao (EPIAFS) trong bộ điều khiển hỏa lực, để kích hoạt và tăng độ chính xác của đạn Excalibur.

Biến thể M777ER, ở phiên bản này sử dụng pháo có chiều dài bằng 52 lần cỡ nòng (thêm 1,8m nòng pháo và khoảng 450 kg cho toàn hệ thống), nâng cự li bắn từ 30 lên 70km với đạn tăng tầm.

Loại đạn pháo mới nhất cỡ 155mm của Mỹ đã được phát triển để dùng laser dẫn đường, cho phép M777 bắn trúng các mục tiêu di động ở khoảng cách lớn

M777 hiện phổ biến ở tầm bắn xa nhất 40km, tuy nhiên độ sai số mục tiêu lại chỉ một hai mét. Đây là con số cho thấy độ chính xác cực kỳ đáng nể.

Ngoài 1.001 hệ thống có trong biên chế quân đội Mỹ, lựu pháo M777 cũng có trong trang bị của Lục quân Úc (54), Canada (37), Ấn Độ (145) và Ả Rập Saudi (70).

Khi xung đột Ukraine nổ ra, Mỹ đã viện trợ cho Kiev hằng trăm khẩu pháo M777 cùng lượng lớn đạn dược, không những vậy Washington còn viện trợ cả đạn pháo thông minh Excalibur.

Dù bị Nga phá hủy một số khẩu M777, tuy vậy loại pháo này với đạn pháo thông minh vẫn khiến quân Nga chịu nhiều thiệt hại trong xung đột tại Ukraine.

Việt Hùng