Nga mất thị trường dầu mỏ châu Âu sau...10 năm nữa

Ông Leonid Fedun, Phó chủ tịch phụ trách phát triển chiến lược công ty dầu khí Nga Lukoil, nói với các nhà báo rằng, chính sách cứng rắn hơn của châu Âu về việc sử dụng nhiên liệu carbon sẽ thay đổi thị trường dầu mỏ và ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu của Nga.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một kế hoạch hành động sâu rộng nhằm loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon ở EU vào năm 2050, theo đó đòi hỏi phải tái cơ cấu hoàn toàn nền kinh tế EU.

Đặc biệt, Ủy ban châu Âu đề xuất áp dụng thuế hải quan "khí hậu" đối với nhập khẩu sắt thép (bao gồm cả đường ống và đường ray), nhôm, xi măng, phân bón và điện vào EU.

Theo kế hoạch của EC, sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến năm 2025, trong đó các nhà nhập khẩu phải báo cáo hàng quý về lượng khí thải thực tế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu vào EU và bất kỳ khoản thanh toán cho khí thải carbon nào ở nước ngoài.

Các công ty sẽ chỉ bắt đầu nộp thuế từ năm 2026, khi cơ chế điều tiết carbon xuyên biên giới cuối cùng có hiệu lực. Đối với điều này, các nhà nhập khẩu sẽ mua các chứng chỉ carbon tương ứng.

Theo đà phát triển của “nhiên liệu xanh”, thị trường dầu mỏ thế giới đang dần thu hẹp lại

Bình luận về việc áp dụng thuế carbon ở Liên minh châu Âu (EU), ông Leonid Fedun thừa nhận các nhà khai thác dầu mỏ có thể dễ thở hơn, vì mức thuế mới sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các lĩnh vực luyện kim và phân bón. Nhưng tin xấu là trong 10 năm nữa, thị trường năng lượng châu Âu dưới hình thức hiện nay sẽ bắt đầu biến mất.

Theo ông, thực tế là trong tương lai, châu Âu sẽ không nhập khẩu lượng dầu, nhiên liệu diesel và xăng mà hiện họ đang mua. Điều này khiến các công ty Nga sẽ phải tìm kiếm thị trường bán hàng mới.

Ông Fedun nhắc lại ở châu Âu vào năm 2020, cứ 1 trong 5 chiếc xe bán ra là sử dụng động cơ hybrid.

Quá trình này sẽ tiếp tục được mở rộng, vì các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt đang được đưa ra đối với lượng khí thải là 47 gram trên 100 km. Đây thực tế là một biện pháp cấm ngặt, vì phải đạt được mức tiêu thụ 1,5 đến hai lít trên 100 km, nà thực tế điều này là không thể.

Chính sách thay thế nhiên liệu carbon của châu Âu sẽ dẫn đến việc tăng mức tiêu thụ hydro tương đương. Một hệ thống cung cấp nhiên liệu hydro sẽ được tạo ra, Ủy ban châu Âu sẽ chi hàng trăm tỷ euro cho kế hoạch như vậy. Ông Leonid Fedun dự đoán trong tương lai, có vẻ như hydro sẽ bắt đầu thay thế nhiên liệu trên quy mô lớn.

Theo ý kiến ông, trên thực tế, các công ty Nga sẽ phải tìm kiếm thị trường bán hàng mới, họ cần nhận thức rằng, thị trường châu Âu sẽ dần bắt đầu thu hẹp. Theo Eurostat, vào năm 2019, Nga cung cấp gần 27% tổng lượng dầu tiêu thụ cho châu Âu. Năm 2011, con số này là 35%.

Do đó, Nga có khoảng 10 năm để tái cơ cấu các dòng năng lượng xuất khẩu của mình và điều này cần phải được thực hiện ngay bây giờ. Theo dự kiến, châu Á sẽ là thị trường chính mà việc cung dầu phải được định hướng lại.

Fedun cho biết, Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, cũng có kế hoạch giảm lượng khí thải CO2. Do đó, Nga cũng phải tính toán trước điều này, bởi vì vào khoảng năm 2030, họ có thể cũng sẽ thực hiện thuế carbon đối với các nhà cung cấp nhiên liệu.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, ở châu Á vẫn còn những định hướng khác. Nếu châu Âu cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như việc tiêu thụ than, thì ngược lại, ở châu Á lại đang tăng lên.

Toàn Thắng