Nga 'thử lửa' robot sát thủ Maker nhằm đối phó xe tăng phương Tây

Cựu Phó thủ tướng Nga, lãnh đạo tổ chức cố vấn quân sự Tsar Wolves Dmitry Rogozin, thông báo nước này đang tiến hành các thử nghiệm liên quan tới robot sát thủ Maker.

Một đoạn video được đăng tải cuối tuần trước cho thấy, robot sát thủ Maker đang bắn ra tên lửa Kornet chuyên đối phó với các loại xe tăng.

Trước đó, ông Rogozin tuyên bố mục tiêu của robot sát thủ Maker tại chiến trường sẽ là phá hủy xe tăng phương Tây.

Robot chiến trường Marker là sản phẩm nghiên cứu chế tạo của công ty Android Technics phối hợp với Quỹ Nghiên cứu tiên tiến đều thuộc Nga phát triển.

Tổ hợp robot này nặng khoảng 3 tấn có thể trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau.

Được biết dự án robot chiến trường Marker bắt đầu được triển khai vào năm 2018.

Theo đó, mục tiêu của dự án là “chế tạo và tiến hành phát triển toàn diện các công nghệ và các yếu tố cơ bản của robot tác chiến trên mặt đất”.

Sản phẩm lần đầu tiên ra mắt công chúng vào tháng 10/2019 tại bãi thử Magnitogorsk.

Trong buổi ra mắt, robot Marker đã thể hiện khả năng tự động lập kế hoạch tuyến đường và tự động di chuyển trong điều kiện đô thị hay trên địa hình gồ ghề.

Ông Oleg Martyanov, một trong những lãnh đạo của dự án cho biết, một đặc điểm quan trọng của robot Marker là thiết kế dạng module đặc biệt.

“Các nhà phát triển đã giới thiệu một tổ hợp robot được thiết kế linh hoạt dạng module, từ đó có thể nhanh chóng lắp đặt các hệ thống trinh sát và vũ khí cho từng nhiệm vụ”, ông Oleg Martyanov nói.

Các chuyên gia tạo ra robot Marker nhấn mạnh, dự án này cần thiết cho sự phát triển của các công nghệ robot trên mặt đất, như tầm nhìn kỹ thuật, thông tin liên lạc, điều hướng, chuyển động và ứng dụng tự động..

Robot Marker có khả năng thực hiện các nhiệm vụ ở cả chế độ điều khiển bằng sóng vô tuyến và chế độ tự động.

Các nhà phát triển có ý định tăng mức độ tự động cho robot này để chúng có thể tự thự hiện nhiệm vụ mà không cần quá nhiều sự can thiệp từ con người.

Nền tảng Marker chiến đấu được trang bị 2 máy bay không người lái (UAV). Theo đó một UAV được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ lập bản đồ, tìm kiếm và xác định mục tiêu, làm rõ các tuyến đường di chuyển và tạo bức tranh địa hình 3D.

UAV còn lại thực hiện nhiệm vụ tấn công, bao gồm phát hiện mục tiêu, xác định mục tiêu, từ đó liên kết với robot chiến trường dưới mặt đất để phối hợp tiêu diệt mục tiêu.

Ngoài tấn công mặt đất, robot Marker còn được trang bị một trạm radar có thể nhận dạng mục tiêu trên không.

Sau khi phát hiện, mục tiêu sẽ được robot Market theo dõi bằng quang học và bắn trúng mục tiêu bằng các vũ khí trang bị.

Tổ hợp súng máy giống như một hệ thống phòng không tầm gần, theo đó chúng có thể quay với tốc độ 350 độ mỗi giây.

Robot Marker có thể phát hiện các máy bay không người lái ở chế độ tự động và bắn chúng bằng súng máy hoặc tên lửa đất đối không.

Những tên lửa phòng không lắp trên robot Marker có thể tiêu diệt phương tiện bay ở cự ly gần.

Nga đặt rất nhiều hy vọng vào robot chiến trường Marker đầy triển vọng này, bởi nó có khả năng thực hiện nhiều chức năng khác nhau.

Cuối tuần trước, truyền thông nhà nước Nga cho hay, nước này sẽ bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt robot Marker cho quân đội Nga.

Oleg Martyanov, quan chức Quỹ nghiên cứu tiên tiến Nga, cho biết các nhà phát triển đã "dạy" robot Marker cách tập kích các mục tiêu nhanh hơn nhiều lần so với con người thực hiện.

Robot Marker có kỹ năng di chuyển tự động tiên tiến nhất ở Nga với khả năng nhận dạng đối tượng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Một trong những tính năng quan trọng của robot Marker là nó được dùng để thay thế các binh sĩ làm các nhiệm vụ nguy hiểm trên chiến trường.

Theo đó, Robot Marker có thể phá phòng tuyến, phục kích, đi vào khu vực đối phương kiểm soát.