Ngành ngân hàng với 10 giải pháp khơi thông dòng tín dụng

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Họp báo

Quan điểm trên được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực ân hàng Nhà nước chia sẻ tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 chiều ngày 19/4.

Mặc dù NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do vậy, công tác điều hành tín dụng được Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế đã được thực hiện.

Cụ thể như, ngày 07/2/2024, NHNN ban hành công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các giải pháp đã được Thống đốc NHNN đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, ngày 20/02/2024, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/3/2024, NHNN đã chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” do Thủ tướng chủ trì nhằm đề xuất, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân…

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Tú cho biết đã triển khai thành 10 giải pháp, với cường độ triển khai cao hơn, tích cực hơn so với năm 2023 và những năm trước nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Thứ nhất, chỉ đạo ngân hàng thương mại đảm bảo đủ thanh khoản cho nền kinh tế, nhu cầu tín dụng hợp pháp, có hiệu quả của doanh nghiệp.

Thứ hai, giảm lãi suất điều hành năm 2023 và chỉ đạo ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

"Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023", Phó Thống đốc cho biết.

Thứ ba, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Việc giao chỉ tiêu từ đầu năm để ngân hàng chủ động trong việc phân bổ tín dụng.

Thứ tư, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ đảm bảo lượng ngoại tệ hợp lý cung ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống pháp lý, trên cơ sở Luật Các tổ chức tín dụng đã được thông qua đầu năm nay. Trên cơ sở đó, khẩn trương tích cực xây dựng văn bản dưới luật, nghị định, thông tư... để từ ngày 1/7 thực thi đồng bộ các quy định, chế tài mới trong hoạt động tín dụng, cấp tín dụng an toàn trong hệ thống.

Thứ sáu, kéo dài thời hạn trả nợ, trả lãi. Đến ngày 31/6 kết thúc chính sách này nhưng trước tình hình khó khăn hiện nay và theo đề xuất mong muốn hiệp hội, doanh nghiệp, NHNN sẽ kéo dài đến hết năm 2024. Đây là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho khó khăn hiện tại của doanh nghiệp nhưng sử dụng cần tính toán đảm bảo hài hòa chất lượng các tổ chức tín dụng, an toàn cho các ngân hàng thương mại.

Thứ bảy, triển khai quyết liệt chương trình, gói tín dụng ưu đãi.

Thứ tám, triển khai tích cực cho vay tiêu dùng. Đây là định hướng, chủ trương của NHNN, vừa tạo cơ chế, điều kiện cho công ty tài chính ngân hàng thương mại phục vụ sản xuất, thực hiện mục tiêu kích cầu. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước kết hợp Bộ Công an khai thác trung tâm dữ liệu quốc gia xem xét cho vay không thế chấp với loại hình tín dụng này.

Thứ chín, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cho vay trực tuyến, giảm bớt các thủ tục cho vay của người dân.

Thứ mười, giải pháp truyền thống và rất quan trọng trong bối cảnh khó khăn hiện nay đó là hội nghị kết nối doanh nghiệp và ngân hàng được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Năm nay sẽ quyết liệt hơn, các NHTM sẽ tổ chức hội nghị kết nối với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, khách hàng... nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Nhuệ Mẫn