Người tái sinh những trái tim tổn thương

Một ngày cuối tháng 8-2021, con trai tôi khi ấy 9 tuổi, lên cơn sốt 39 độ, người mệt lả, ói mật xanh mật vàng. Lúc đó bé vẫn học trực tuyến tại nhà do dịch COVID-19 đang ở giai đoạn đỉnh dịch, TP HCM ra lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Tôi lo lắng đi mua que test, người run lên khi thấy hai vạch đỏ chót hiện ra.

Ân nhân của gia đình

Trong cơn bấn loạn, đầu tôi nảy sinh vô vàn câu hỏi: Biết đưa con điều trị ở đâu khi thời điểm này các bệnh viện tuyến đầu đều quá tải? Bệnh viện nhi thành phố đông đúc, chỉ nhận cấp cứu cho những trường hợp nặng, tôi đưa con vào liệu có được tiếp nhận và điều trị?... Đắn đo mãi, tôi quyết định để bé ở nhà theo dõi, nhưng tình trạng con mỗi lúc một nặng lên. Bé kêu đau bụng, từng cơn đến rồi đi với cấp độ tăng dần, dĩ nhiên không ăn uống được gì kể cả sữa. Thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng chừng 1 giờ. Tôi bật khóc trong đêm, tay cầm điện thoại chuẩn bị nhấn nút gọi xe đưa bé đi cấp cứu.

Điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời TS-BS Nguyễn Anh Dũng là mang đến niềm vui cho bệnh nhân

Ngay lúc ấy, ánh mắt tôi chạm vào cái tên "Bác sĩ Dũng BV Tâm Anh" trên danh bạ điện thoại. Đây là người tháng nào cũng khám sức khỏe tim mạch cho bố mẹ tôi. Trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ hay là hỏi thử bác sĩ về trường hợp con mình và tôi đánh liều nhấn nút cuộc gọi. Đồng hồ khi đó điểm 11 giờ khuya.

Từ đầu dây bên kia, giọng nói ấm áp cất lên sau khi nghe tôi kể rõ sự tình: "Em đừng quá lo, trước tiên cho cháu uống hạ sốt 3 giờ/lần, uống thuốc ổn định dạ dày để hết đau bụng, chườm mát, bổ sung nước thường xuyên. Theo dõi cháu liên tục, có gì báo ngay cho bác sĩ".

Nỗi lo của tôi vơi đi hơn nửa sau khi nghe những lời căn dặn của bác sĩ Dũng. Tôi cho con uống thuốc theo toa bác kê, cứ một vài giờ lại "báo cáo" bác khi thấy con có biểu hiện bất thường: Bác ơi bé mới uống được nửa ly sữa đã ói ra hết, giờ làm sao ạ? Bác ơi bé mê man mấy tiếng rồi, vẫn hâm hấp sốt… Bác ơi bé vẫn còn đau bụng âm ỉ… Suốt đêm hôm ấy, gần như bác sĩ Dũng thức cùng gia đình tôi, theo sát tình hình bé và kịp thời đưa ra hướng xử trí phù hợp.

Sáu giờ sáng hôm sau, con tôi mở choàng mắt gọi mẹ, than đói đòi ăn, trán mát rượi. Tôi khóc vì biết hai mẹ con đã vượt qua kiếp nạn này. Gọi điện cảm ơn vị lương y tận tâm cứu chữa cho con trai mình, tôi nghe bác thở phào nhẹ nhõm. Vị bác sĩ ấy chính là TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP HCM.

Phải đến vài tuần sau, khi dịch COVID-19 tạm lắng và thành phố gỡ bỏ lệnh giãn cách, mẹ con tôi mới có cơ hội đến gặp và cảm ơn ân nhân mình. Đó là một buổi chiều tháng 10, tôi ngồi trong phòng làm việc của BS Dũng và nghe bác kể về chặng đường hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp y khoa.

Lấy niềm vui người bệnh làm hạnh phúc cho mình

Những năm đầu thập niên 1990, BS Dũng cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Y Hà Nội, đắn đo khi phải lựa chọn thủ đô hay mảnh đất phương Nam làm nơi lập nghiệp. Và rồi, bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và khát khao chữa lành những trái tim bị thương tổn, ông quyết định Nam tiến.

Khoảng thời gian công tác tại BV Nhân dân Gia Định, BV Thống Nhất và BV Đại học Y Dược TP HCM, BS Dũng đã điều trị cho không ít trường hợp bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tắc hẹp động mạch cảnh... "Nhưng khiến tôi trăn trở nhiều hơn là những mảnh đời kém may mắn, phát hiện bệnh tình khi tuổi đời còn quá trẻ" - BS Dũng tâm sự.

Đó là chàng trai ngoài 30 tuổi, chuẩn bị lên chức bố thì được chẩn đoán hở van tim độ nặng. Là cậu thanh niên 19 tuổi mắc hội chứng "kẹp hạt dẻ", phải nghỉ học ngang do thể trạng ốm yếu gầy gò. Là anh chàng 28 tuổi ho dai dẳng suốt 2 năm do mắc hội chứng kháng phospholipid hiếm gặp, nếu không can thiệp sớm sẽ nguy kịch tính mạng… Áp lực tăng lên khi thân nhân người bệnh đặt trọn niềm tin nơi bác sĩ: "Nhờ bác sĩ cứu giúp con/chồng chúng tôi, anh ấy còn quá trẻ". Và BS Dũng đã biến áp lực thành động lực để hoàn thành những ca phẫu thuật xuất thần, mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho những chàng trai đang ở độ tuổi sung sức nhất cuộc đời.

Với mong muốn trau dồi chuyên môn, tích lũy thật nhiều kinh nghiệm thực tế để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, BS Nguyễn Anh Dũng đã tham gia nhiều khóa đào tạo và thực hành phẫu thuật can thiệp tim - mạch máu tại nhiều bệnh viện lớn như Viện Tim TP HCM, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TP HCM, BVĐK Đồng Nai.

Năm 2003, BS Dũng đi tu nghiệp và thực tập mổ can thiệp tim - mạch máu 1 năm tại BV Claude Bernard (Pháp). "Đây là quãng thời gian vô cùng quý báu vì đã cho tôi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý giá, là nền tảng vững chắc để tôi vững tin thực hiện những ca mổ khó sau này" - BS Dũng bộc bạch.

Đầu năm 2021, TS-BS Nguyễn Anh Dũng chọn BVĐK Tâm Anh TP HCM làm nơi phát triển sự nghiệp. Đảm nhận vai trò Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, BS Dũng trở thành vị thuyền trưởng tài ba, đưa con tàu Ngoại Tim mạch - Lồng ngực vượt qua không ít thử thách, tái sinh cuộc đời mới cho hàng ngàn bệnh nhân.

BS Dũng nhớ mãi một ca bệnh phức tạp: Một võ sư gần 70 tuổi bị tắc hẹp nặng 3 nhánh mạch vành, buộc phải phẫu thuật bắc cầu để tái thông dòng máu nuôi tim. Nếu mổ tim thì thường phải dùng máy tim phổi nhân tạo (ECMO) trong suốt quá trình can thiệp. Tuy nhiên, bệnh nhân bị vôi hóa động mạch vành, nếu dùng ECMO sẽ có nguy cơ bị hoại tử chi, đột quỵ…

Sau những giờ phút cân não căng thẳng, BS Dũng quyết định mổ bắc cầu không dùng máy tim phổi nhân tạo. Suốt 6 giờ phẫu thuật, ông cùng ê-kíp đặt tiêu chí "chuẩn xác, nhanh gọn" lên hàng đầu, mục tiêu là bảo đảm chức năng tim cho bệnh nhân. "Cuối cùng chúng tôi đã làm được và làm rất tốt. Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người bệnh và thân nhân sau khi ca mổ kết thúc thành công, tôi có cảm giác đó là hạnh phúc của chính mình. Tôi tự nhủ mình phải không ngừng nỗ lực, tìm tòi và triển khai các kỹ thuật tim mạch mới, chuyên sâu để thực hiện thêm nhiều ca phẫu thuật xuất thần hơn thế" - BS Dũng chia sẻ.

Nhiệt huyết với nghề, là người đứng sau thành công của rất nhiều ca bệnh khó nhưng TS-BS Nguyễn Anh Dũng chỉ muốn mình là người "cho đi" chứ chẳng mong "nhận về". Bác sĩ kể lại trường hợp một cụ bà đã ngoài 80 tuổi, được bác sĩ phẫu thuật mạch vành cách đây 15 năm. Cụ theo con định cư ở Canada từ năm 2016. Đầu năm 2020, cụ về Việt Nam, việc làm đầu tiên là đến gặp BS Dũng, không ngớt lời cảm ơn và khoe: "Tôi đi khám sức khỏe định kỳ ở Canada. Lần nào các bác sĩ ở đây cũng khen bác sĩ Việt Nam mình giỏi quá, mổ tim cho tôi hơn 10 năm rồi mà cầu nối vẫn hoạt động tốt, không biến chứng, không có dấu hiệu bất thường". Với người thầy thuốc dành trọn cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp y khoa như BS Dũng, nghe những câu nói ấy, thật không gì vui và hạnh phúc bằng.

Khi chào từ biệt BS Dũng ra về, tôi thấy ánh mắt ông ánh lên niềm vui và sự tự hào. Không tự hào sao được khi những việc ông làm tuy thầm lặng nhưng có ý nghĩa to lớn với rất nhiều bệnh nhân.

Bài và ảnh: HẠ VŨ