Người tiêu dùng Mỹ 'tưởng hời mà không hời' dịp mua sắm giảm giá cuối năm

Các cửa hàng giảm giá nhằm thu hút khách hàng tới mua sắm ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này đặc biệt đáng thất vọng bởi trong bối cảnh lạm phát, việc mua được hàng giảm giá như ý lại càng có ý nghĩa hơn với người tiêu dùng.

Theo hãng tin AP (Mỹ), dù các nhà bán lẻ đều tung ra các chương trình giảm giá từ 30%, 50% đến 70% với rất nhiều mặt hàng từ thiết bị điện tử đến đồ gia dụng nhưng so với năm ngoái, giá cả những mặt hàng này sau khi giảm vẫn cao hơn do ảnh hưởng của lạm phát.

Điều này càng cho thấy việc mua được một món hàng với “giá hời” thực sự là điều khó khăn trong mùa mua sắm năm nay.

Theo kết quả phân tích dữ liệu từ công ty DataWeave, từ tháng 9 đến hết tháng 10, người tiêu dùng Mỹ đã phải chi trả thêm khoảng 18% cho các mặt hàng nội thất và đồ gia dụng so với các chi phí tương ứng của năm 2021.

Báo cáo được thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu giá cả hàng trăm nghìn mặt hàng được gần 30 nhà bán lẻ, trong đó có Amazon và Target, cung cấp.

Với mặt hàng quần áo, áp lực giá cả dường như nhẹ hơn, mức chi trả của người tiêu dùng giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá các loại giầy/dép duy trì ổn định.

Báo cáo doanh thu mới được Chính phủ Mỹ công bố cho thấy doanh thu bán lẻ tăng trong tháng 10 kể cả khi đã tính tới yếu tố lạm phát. Điều này càng cho thấy tâm lý tiêu dùng đang cải thiện trong bối cảnh ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm “Black Friday” đang đến gần, mở đầu dịp mua sắm cuối năm 2022.

Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang trì hoãn mua sắm để đợi tới dịp giảm giá cuối năm. Kohl’s, Target và Macy’s đều cho biết người tiêu dùng ở Mỹ đã bắt đầu chi tiêu chậm lại trong những tuần gần đây.

Điều này rất khác so với cùng kỳ năm ngoái khi người tiêu dùng đã khởi động mùa mua sắm cho các dịp lễ cuối năm ngay từ đầu tháng 10 do lo ngại sẽ không mua được những thứ cần thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Đó cũng là thời điểm người dân Mỹ nhận được tiền hỗ trợ đại dịch từ chính phủ. Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng chật vật đảm bảo nguồn cung nên không giảm giá quá nhiều.

Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Michael Liersch, từ Wells Fargo, trong mùa mua sắm cho dịp lễ cuối năm nay, giá cả hàng hóa có vẻ như được giảm hoặc có những mặt hàng được giảm giá sâu nhưng thực tế áp lực lạm phát hoặc cách các nhà sản xuất điều chỉnh khối lượng/chất lượng hàng hóa để ứng phó với chi phí tăng khiến cuối cùng người tiêu dùng không thực sự được “hời” nhiều kể cả đã mua hàng giảm giá.

Xu hướng này đã được chứng minh khi DataWeave thực hiện khảo sát giá nhiều mặt hàng khác nhau tại chuỗi cửa hàng Fred Meyer và Kohl’s. Theo đó, giá một số mặt hàng sau khi giảm vẫn ở mức cao hơn so với mức giá năm ngoái.

Tương tự, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Consumers' Checkbook cũng đã tiến hành khảo sát giá tại 25 nhà bán lẻ lớn tại Mỹ trong vòng 33 tuần từ đầu tháng 2 và nhận thấy hầu hết các chương trình giảm giá, kể cả những chương trình giảm giá sâu, đều là “ảo”, được áp dụng trong phần lớn thời gian trong khi giá gốc không mấy khi được áp dụng./.

Lê Ánh/TTXVN