Nhìn sang kinh tế Trung Quốc: Trông người, ngẫm ta

Kinh tế Trung Quốc đang bị “bóp nghẹt” bởi các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, khủng hoảng trong ngành địa ốc, hạn hạn kéo dài...

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc?

Trước hết là do cách tiếp cận cứng rắn của họ đối với đại dịch Covid-19. Trung Quốc đã chứng kiến nhiều làn sóng dịch trong năm nay, như Việt Nam. Nhưng trong khi Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng hiệu quả, từ đó cho phép mở cửa hoạt động sản xuất, thì Trung Quốc vẫn khép kín, vẫn thực hiện cách ly, trong khi nước này là một trong những nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới. Vì vậy, đây là một lực cản lớn đối với nền kinh tế của họ.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam.

Đồng thời, Trung Quốc đối mặt với tình trạng bong bóng nhà đất - một gánh nặng lớn đối với nền kinh tế khi lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng một phần tư GDP.

Nhiều dự án bất động sản đình trệ đã gây ra làn sóng người dân từ chối thanh toán các khoản thanh toán định kỳ càng làm tình hình thêm trầm trọng và ngành ngân hàng cũng đứng trước nhiều rủi ro vì dư nợ cho vay rất lớn (theo một số thống kê, các ngân hàng đang “ngồi” trên khoản vay thế chấp mua nhà trị giá khoảng 38.000 tỷ nhân dân tệ và khối nợ khoảng 13.000 tỷ nhân dân tệ của những công ty bất động sản hoạt động yếu kém).

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Trong quý hai năm nay, nhu cầu mua sắm của người dân Trung Quốc được ghi nhận ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát cao, nguy cơ lạm phát đình trệ ở Mỹ và châu Âu là những rủi ro đối với Trung Quốc, một quốc gia xuất khẩu, nhu cầu tổng thể đối với hàng xuất khẩu của họ bị đe dọa bởi những yếu tố bên ngoài này.

Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và sản lượng thủy điện, nhiều thành phố thiếu điện trầm trọng, làm gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh...

Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam ra sao?

Trung Quốc là đối tác thương mại rất lớn, Việt Nam xuất khẩu không ít mặt hàng nông sản sang thị trường này nên kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng sẽ giảm.

Một mối quan tâm khác là Việt Nam nhập khẩu rất nhiều hàng hóa trung gian và thực hiện lắp ráp, tân trang lần cuối, sau đó tái xuất. Một số trong số đó có nguồn gốc ở Trung Quốc. Vì thế, tình trạng tắc nghẽn trong trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc có thể gây ra nhiều vấn đề.

Nhưng nếu nhìn vào mặt tích cực, không ít công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các lý do như biến động chính trị - kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc... Vì vậy, họ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Đây là một cơ hội lớn trong dài hạn đối với Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để hạn chế rủi ro, đồng thời nắm bắt cơ hội này?

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ở cấp độ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin, nâng cao kỹ năng cho người lao động..., bất cứ điều gì để nâng cao năng lực cạnh tranh đều quan trọng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang dựa vào nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc hoặc xuất khẩu sản phẩm của họ sang Trung Quốc nên nghĩ đến việc tìm kiếm những nguồn cung mới, hoặc điểm đến mới cho hàng hóa.

Ngoài ra, tôi đã đề cập đến tình trạng rất nhiều hàng hóa trung gian được nhập khẩu vào Việt Nam để hoàn thiện lần cuối, rồi sau đó tái xuất. Điều quan trọng là Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong nước phải cố gắng nắm bắt cơ hội trở thành nhà cung ứng trung gian.

GDP quý II/2022 của Trung Quốc giảm 2,6% so với quý I và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái (thấp hơn nhiều so với dự báo), lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 2,5%.

Trung Quốc đặt mục tiêu kinh tế năm 2022 tăng 5,5%, giảm so với mức 8,1% đạt được năm 2021 (mục tiêu là trên 6%), nhưng các nhà kinh tế dự báo, mức tăng có thể dưới 4%, thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ, trừ năm 2020 (tăng 2,3%).

Thậm chí, hai ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới là Goldman Sachs và Nomura mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 từ 3,3% xuống lần lượt 3% và 2,8%.

Phương Anh