Những bước phát triển mạnh mẽ, năng động trong quan hệ Việt Nam - Singapore

Ông Nguyễn Đức Hùng-nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Đức Hùng đã đưa ra nhận định trên khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ trước chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 8-10/2/2023.

Chuyến thăm đặt dấu mốc mới cho quan hệ Việt Nam - Singapore

Chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới đây có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với quan hệ Việt Nam – Singapore trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại Hội XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021, hoạt động của ba trụ cột đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và nhịp nhàng. Các cuộc tiếp xúc cấp cao cùng với việc ký kết, thực hiện các thỏa thuận về hợp tác trên nhiều lĩnh vực đã và đang thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu thực chất.

Đặc biệt, trong buổi tiếp Tổng thống Singapore Halimah Yacob tháng 10/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Singapore, đề nghị hai nước phát huy hiệu quả tiềm năng hợp tác to lớn thông qua tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân; nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, đầu tư, tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chắc chắn sẽ đặt dấu mốc mới đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu hiệu quả trên cơ sở gắn kết lợi ích hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhất để tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong năm 2023.

Quan hệ Việt Nam – Singapore góp phần liên kết chặt chẽ và phát triển năng động cộng đồng ASEAN

Năm 2023, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore đang trên đà phát triển ổn định và ngày càng mở rộng trên hầu hết các lĩnh vực hợp tác đặc biệt sau các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong những năm qua.

Có thể nhận thấy những bước phát triển mạnh mẽ, năng động trong quan hệ song phương, nhất là về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư. Bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng gia tăng, Singapore là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN và tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.003 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 70 tỷ USD.

11 khu công nghiệp VSIP tại 8 tỉnh, thành phố Việt Nam đã thu hút 880 công ty trong nước và nước ngoài đầu tư hơn 17 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động. VSIP hoạt động hiệu quả, là biểu tượng hợp tác thành công giữa hai nước. Hợp tác quốc phòng-an ninh, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân… phát triển mạnh mẽ.

Sự phối hợp thường xuyên giữa hai nước trong khuôn khổ ASEAN và trên các diễn dàn đa phương khu vực và thế giới đã góp phần quan trọng thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN với các nền kinh tế liên kết chặt chẽ và phát triển năng động. Một đối tác cởi mở, tin cậy và giàu tiềm năng, bộ phận cấu thành không thể thiếu của sự thịnh vượng và phát triển khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương, qua đó củng cố vai trò trung tâm và tăng cường tiếng nói của ASEAN trên quốc tế vì lợi ích của hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.

Mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa Việt Nam - Singapore

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế giữa Singapore và Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Trong quá trình liên tục phát triển, Singapore không tự thỏa mãn mà luôn tìm tòi những hướng đi, cách làm mới để gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; sớm gắn nền kinh tế với khu vực và thế giới, tạo thêm những cơ hội cho mình.

Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cùng với sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, sự hiểu biết, tương đồng về văn hóa giữa nhân dân hai nước đã tạo ra sự trùng hợp về lợi ích phát triển quan hệ kết nối, hợp tác bền vững giữa hai bên, là cơ sở vững chắc tạo ra những cơ hội mới để tiếp tục mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác cùng có lợi trên những lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, an ninh mạng, môi trường, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng của thời đại công nghiệp 4.0 như kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh...

Kết nối và hợp tác để cùng phát triển là đòi hỏi và nhu cầu tất yếu của tất cả các quốc gia không phân biệt giàu nghèo, lớn nhỏ và điều đó cũng đúng với quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore ngày nay.

Trong quá trình đảm nhiệm cương vị là Đại sứ Việt Nam tại Singapore ông ấn tượng như thế nào về đất nước, con người Singapore và có những kỷ niệm sâu sắc nào về tình cảm của các nhà lãnh đạo, tổ chức doanh nghiệp, người dân Singapore dành cho đất nước Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Gần 4 năm sống và làm việc tại Quốc đảo này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người nơi đây. Sâu đậm nhất là những bí quyết làm nên sự "kỳ diệu" Singapore:Đó là bài học về nỗ lực vươn lên, tinh thần sáng tạo, khát vọng toàn cầu; chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài; một thể chế trong sạch, một Chính phủ liêm chính, tài năng.

Bài học của sự "kỳ diệu' đó phải chăng trước hết từ con người được thể hiện qua những nỗ lực và tài năng lãnh đạo của Ngài Lý Quang Diệu với hơn 4 thập kỷ làm Thủ tướng Singapore. Ở ông không chỉ là sự quyết tâm về ý chí mà còn có sự uyên thâm về kiến thức và mưu lược, lòng mong muốn học hỏi không ngừng những kinh nghiệm phát triển của thế giới để vận dụng vào hoàn cảnh của đất nước mình. Singapore quyết tâm thoát nghèo, "Thế giới này không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống"- phát biểu vào thời điểm sinh tử của đất nước khi nhập vào và tách ra khỏi Malaysia của ông Lý Quang Diệu đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho mọi người dân, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo bằng chính sức mạnh dân tộc, trí tuệ sáng tạo, khát vọng "hóa rồng".

Còn nhớ trong nhiệm kỳ của mình, vào khoảng năm 1998, tôi có dịp được đón nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sang thăm, làm việc tại Singapore theo lời mời của ông Lý Quang Diệu (lúc này đã thôi làm Thủ tướng và giữ chức Bộ trưởng cao cấp của Chính phủ Singapore). Ông Lý Quang Diệu tiếp Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang ngay trong phòng làm việc được bài trí rất đơn giản trong lâu đài Istana, nơi làm việc của Tổng thống và Thủ tướng Singapore, tọa lạc trên đường Orchard. Cuộc trao đổi diễn ra rất cởi mở, thẳng thắn và thú vị.

Tôi có cảm tưởng hai vị chính khách cùng chia sẻ nhiều vấn đề có tính vĩ mô về chiến lược phát triển và mang tính vi mô liên quan tới quy hoạch quản lý đô thị. Khi Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang hỏi bài học lớn nhất làm nên sự "kỳ diệu" Singapore hôm nay là gì, ông Lý Quang Diệu nói đại ý: 90% thành công của đất nước bắt nguồn từ sự học hỏi và áp dụng từ kinh nghiệm của những nước khác, chỉ có 10% là của Singapore; nhân tố quyết định là con người với những nỗ lực tự nhiên cộng với học vấn và sự rèn luyện của họ. Tôi nghĩ rằng điều đó đúng không chỉ với Quốc đảo này mà cả với chúng ta và những dân tộc khác./.

Kiều Liên