Những công nghệ hiện đại trang bị trên xe máy không thua kém ô tô

Công nghệ luôn đồng hành cùng sự phát triển của con người, đặc biệt những thứ gắn liền với đời sống như ô tô, xe máy. Trong khi ô tô hiện không ngừng tích hợp thêm đủ loại tính năng mới, biến chúng thành "ngôi nhà di động", xe hai bánh mới đang dần được phổ cập, đặc biệt là xe máy phổ thông.

Tại Việt Nam, với số lượng hàng triệu chiếc đang được người dân sử dụng ở các thành phố lớn, việc trang bị những tính năng an toàn và tiện dụng là điều rất cần thiết. Do đó, các nhà sản xuất đã trang bị thêm ngày càng nhiều công nghệ thiết yếu trên những chiếc xe máy để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hệ thống phanh ABS

Nếu như trước đây hệ thống phanh ABS hay phun xăng điện tử là công nghệ chỉ xuất hiện trên những mẫu môtô đắt tiền, ngày nay chúng lại là trang bị có thể xem là tối thiểu trên môtô. Bên cạnh phanh ABS hay phun xăng điện tử, môtô ngày nay còn được ưu ái với nhiều công nghệ vốn trước đây chỉ xuất hiện trên ô tô.

Nhiều công nghệ hiện đại được các nhà sản xuất trang bị trên xe máy. Ảnh: Zing News

Ga tự động

Hệ thống kiểm soát hành trình (cruise control) còn được biết đến với tên gọi đơn giản là ga tự động. Tính năng này được phát minh vào năm 1948 bởi kỹ sư người Mỹ Ralph Teetor và trở nên phổ biến trên ôtô vào những năm 60 của thế kỷ trước. Ga tự động cho phép người lái thiết lập tốc độ, xe sẽ tự động chạy ở vận tốc ấy cho đến khi người lái hủy lệnh hoặc đạp phanh.

Đến năm 1996, Tony và Frank Guymer thành công khi lắp thêm bộ ga tự động cho chiếc Honda VRF750 đời 1994. Hầu hết mẫu xe phân khối lớn ngày nay, đặc biệt là dòng adventure, đều được trang bị tính năng ga tự động.

Không chỉ dừng lại ở ga tự động, Ducati và BMW còn nghiên cứu và áp dụng hệ thống ga tự động thích ứng (adaptive cruise control) cho các mẫu xe của mình. Ga tự động thích ứng hiện đại hơn với khả năng tự động tăng giảm tốc độ theo phương tiện phía trước. Để làm được điều này, xe sẽ được lắp thêm bộ cảm biến phía trước để đo khoảng cách, đồng thời hệ thống điều khiển trung tâm cũng có nhiệm vụ can thiệp vào ga, phanh.

Túi khí

Các mẫu ôtô bán ra tại Việt Nam đều được trang bị ít nhất 2 túi khí, một số dòng xe cao cấp hơn thì con số này lên đến 7. Đây là một trong những trang bị an toàn bắt buộc trên ô tô được phát minh lần đầu tiên vào năm 1941 và sử dụng trên mẫu xe Oldsmobile Toronado.

Hiện tại trên thị trường xe máy, Honda Gold Wing là mẫu xe duy nhất được trang bị túi khí. Hãng xe Nhật Bản đã trang bị tính năng này cho Gold Wing từ đời 2006. Túi khí trên Gold Wing được lắp ở phía trước, giúp hạn chế việc tổn thương do bị văng ra phía trước khi xảy ra tai nạn.

Do không có dây an toàn như ôtô, không phải xe máy nào cũng có thể trang bị túi khí. Honda từng cho biết Gold Wing có thể lắp được túi khí vì mẫu xe này nặng, khó bị văng ra phía trước khi xảy ra chạm. Bên cạnh đó, thiết kế ngồi của dòng xe touring mới phù hợp cho việc lắp túi khí.

Kết nối Bluetooth

Nếu như ga tự động hay túi khí chỉ được tìm thấy trên các dòng môtô có giá bán từ vài trăm triệu đồng, công nghệ Bluetooth đang dần trở nên "bình dân hóa" trên nhiều mẫu xe phổ thông. Đối với ôtô, kết nối Bluetooth thường được dùng cho mục đích giải trí và đàm thoại rảnh tay. Trong khi đó kết nối Bluetooh trên xe máy có tác dụng hiển thị tình trạng xe, thông báo cuộc gọi, điều hướng...

Ở phân khúc xe phổ thông, Honda SH 150 đời 2020 là mẫu xe đầu tiên có kết nối Bluetooth thông qua ứng dụng MyHonda+. Gần một năm sau, đối thủ Yamaha NVX thế hệ mới cũng được tích hợp công nghệ này.

So với 2 công nghệ an toàn nêu trên, kết nối Bluetooth trên xe máy phổ thông mang tính giải trí nhiều hơn và chưa thật sự thực dụng. Hầu hết người dùng thường chỉ trải nghiệm tính năng này khi mới mua xe và thường quên lãng sau một thời gian sử dụng.

Đèn chiếu sáng từ Halogen sang công nghệ LED toàn bộ

Đèn chiếu sáng trên xe máy cũng đang chuyển dần từ Halogen sang công nghệ LED toàn bộ, giống với các mẫu xe bốn bánh hiện đại. Nhờ đó, những cụm đèn xe máy đã có hình dạng hầm hố và hiện đại hơn, cho ánh sáng tốt hơn nhưng lại tiết kiệm năng lượng hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, do những công nghệ này khá tốn kém nên các hãng xe vẫn chưa thể trang bị chúng trên toàn bộ sản phẩm của mình mà chủ yếu tích hợp cho các mẫu xe máy đắt tiền.

An Dương (T/h)