Những dấu ấn thành công tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV

Đã có nhiều cảm xúc đọng lại, nhiều dấu ấn thành công cần phát huy và những kinh nghiệm quý được nhận diện để các kỳ liên hoan phát thanh tiếp theo thực sự ý nghĩa hơn.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang Lê Hồng Giang và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm trao giải Vàng ở hạng mục Phóng sự và Phỏng vấn.

Nhiều ấn tượng và cảm xúc

Có thể nói, thành công lớn nhất của Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2022 là cảm xúc mừng vui của những người làm báo nói từ khắp nơi trong cả nước về thành phố tham dự trước sự phục hồi, vươn lên mạnh mẽ của TP.HCM sau dịch bệnh Covid-19. Rất nhiều sản phẩm báo chí tham dự Liên hoan phát thanh ở thành phố năm nay đã phản ánh một cách chân thực sự trỗi dậy của TP.HCM, cho thấy sức sống mạnh mẽ của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trải qua đại dịch.

Thành công lớn thứ hai là chất lượng của Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay đã có sự cải tiến rõ rệt. Lần đầu tiên có đầy đủ tất cả các đài phát thanh truyền hình địa phương cùng tham dự liên hoan và có rất nhiều tác phẩm tốt, từ những chương trình trực tiếp cho đến các sản phẩm báo chí thuộc rất nhiều thể loại. Qua đó thể hiện sự phát triển vượt bậc của ngành phát thanh, cho thấy những người làm báo phát thanh thực sự rất tâm huyết, chuyên nghiệp, khẳng định được vị thế của báo phát thanh trong dòng chảy đời sống thông tin.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh và Truyền hình, học viện Báo chí tuyên truyền, thành viên Ban Giám khảo cho biết các chương trình, tác phẩm dự thi rất phong phú, đa dạng, đề cập những vấn đề, sự kiện trọng tâm của đất nước, trong đời sống của người dân, thể hiện được hơi thở của đời sống rất sinh động trên làn sóng phát thanh. Các tác phẩm có sự đầu tư rất tốt, hay về đề tài, sâu về hàm lượng thông tin và sinh động về hình thức thể hiện. Có sự công phu, kỹ lưỡng trong sử dụng lời nói, tiếng động âm nhạc để phát huy được lợi thế của phát thanh

"Năm nay tính chất phản ánh thực tiễn của đời sống một cách kịp thời được đầu tư, được chú trong nhiều hơn. Ví dụ cách đây mấy ngày chúng ta nghẹn ngào, đau xót cảm thương các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hy sinh ở Hà Nội, ngay lập tức trên song phát thanh trực tiếp dự thi liên hoan phát thanh toàn quốc đã để lại những khoảnh khắc vô cùng xúc động đối với các giám khảo, với cả những người đến dự và những người nghe qua làn sóng phát thanh! Những hình ảnh sâu sắc và những cảm xúc vô cùng xúc động đó đã được khắc họa trong chương trình phát thanh rất ấn tượng và để lại những cảm xúc rất mạnh mẽ", bà Đinh Thị Thu Hằng nói.

Tại Liên hoan lần này còn có các hội thảo và triển lãm. Các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong thực tế tác nghiệp và phối hợp để mang đến cho thính giả những tác phẩm hấp dẫn. Cùng với đó là những hoạt động bên lề ý nghĩa, tạo cơ hội cho gần 800 người làm báo phát hành hội tụ trong kỳ liên hoan lần này được cảm nhận thực tế cuộc sống ở nơi tâm là tâm dịch của cả nước, mang lại nhiều niềm vui, tiếp thêm động lực cho những người làm báo phát thanh để lửa nghề càng cháy bỏng.

Nhiều sự đổi mới, tiếp cận công nghệ

Tham dự Liên hoan năm nay, ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Thanh Hóa nhận xét, càng ngày các phóng viên có trình độ tốt hơn. Đặc biệt là khi lắng nghe các hội thảo về chuyên môn, được chứng kiến phần thi phát thanh trực tiếp của các đơn vị bạn, ông Báu rất ấn tượng: "Khi nghe xem các chương trình của các đơn vị thì đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm quý trong sản xuất các chương trình phát thanh trực tiếp, từ xử lý đề tài, tiếng động và nội dung. Ngoài những nền tảng truyền thống phát sóng tần số trên AM, FM thì chúng ta đã biết tận dụng những nền tảng số khác để đưa phát thanh đến với công chúng. Sự áp lực đó cũng đúng thôi bởi vì một tác phẩm phát thanh luôn yêu cần được đầu tư rất tốt, có chiều sâu tác động lớn đến người nghe. Bởi âm thanh có một tác động rất lớn".

Bên cạnh việc khắc họa những ưu thế của phát thanh trong việc tiếp cận với công chúng như sự tiện lợi, dễ nghe, sự thân mật gần gũi, tính nhanh chóng kịp thời, thì một đặc điểm của Liên hoan Phát thanh lần thứ 15 lần này chính là sự tiếp cận công chúng thông qua các nền tảng như Web, app, mạng xã hội…, có sự đổi mới rất rõ ràng. Gần như 31 chương trình trực tiếp của các đài phát thanh địa phương tham gia đều phát trực tiếp trên các nền tảng truyền thống: AM, FM, trên web và tận dụng nền tảng mạng xã hội để phát triển như TikTok, YouTube, Facebook... Hơn nữa, có những cách sáng tạo trong việc “đóng gói” sản phẩm, phân phối trên “chợ”, nền tảng khác nhau. Có những chương trình của các đài địa phương phân phối trên các nền tảng số, lượt like và share rất nhiều, nhưng khi nghe đài vẫn đúng là một chương trình radio rất đặc trưng.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, có nhiều bài học kinh nghiệm cần rút ra để tiến hành các kỳ Liên hoan Phát thanh sắp tới thành công hơn: "Mục tiêu lớn hơn là tạo ra được sự quan tâm rộng rãi của công chúng đối với ngành phát thanh và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, của lãnh đạo các bộ ngành, với vai trò và vị thế của ngành phát thanh, làm cho công chúng hiểu hơn về chúng ta, hiểu hơn về vai trò và sứ mệnh của phát thanh. Chúng ta cũng làm cho mọi người thấy được vai trò, vị thế của phát thanh trong đời sống hằng ngày, trong sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia cũng như của từng địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Thông qua những hoạt động tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV đã được mối quan tâm lớn của công chúng, giành được sự đồng cảm, chia sẻ, truyền cảm hứng cho chính những người làm phát thanh, để họ thêm yêu nghề hơn, có niềm tin với nghề và có trách nhiệm thúc đẩy ngành phát thanh ngày càng phát triển./.

Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM