Petromekong, Saigonpetro, Petrolimex Tây Nam Bộ chỉ cung cấp cho hệ thống cửa hàng trực thuộc

Các doanh nghiệp (DN) này cho biết, đang gặp khó khăn trong việc mua xăng dầu, cụ thể: do nguồn cung xăng dầu khan hiếm, đặc biệt là nguồn dầu DO, các đơn vị lớn như Petromekong, Saigonpetro, Petrolimex Tây Nam Bộ chỉ đáp ứng được nguồn cung cho hệ thống cửa hàng trực thuộc, tại các kho có rất ít hàng.

“Trong thời gian từ 15/8/2022 đến nay, chúng tôi đang phải mua xăng dầu với mức chiết khấu 0 đồng/lít… Mỗi lít xăng dầu bán lẻ chúng tôi lỗ từ 1.000- 3.000 đồng” – các DN cho hay.

Để giải quyết tình hình khó khăn, các DN này đề xuất: Xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ, Tết. Có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở từ DN đầu mối. Đảm bảo rằng, thương nhân đầu mối không thua lỗ trong thời gian dài, gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối xăng dầu và hệ thống đại lý bán lẻ.

Thanh tra, kiểm tra các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu (bao gồm các đầu mối xuất nhập khẩu có phần vốn của nhà nước) ngưng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, gây nên tình trạng khan hàng. Đảm bảo kế hoạch cung ứng mặt hàng xăng dầu đồng đều từ các thương nhân đầu mối, tránh tình trạng như hiện nay.

“Chúng tôi khẳng định nguồn cung ứng xăng dầu tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận là thiếu hụt cục bộ, nhiều cửa hàng xăng dầu của chúng tôi trên địa bàn khó đáp ứng nguồn cung cho người dân trong dịp lễ 2/9 và thời gian tới” – các DN cho biết.

Lực lượng chức năng Hậu Giang khảo sát tình hình các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa yêu cầu các thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu hợp lý để đảm bảo không làm gián đoạn nguồn cung ứng xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.

Thương nhân cấp hàng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hoặc hợp đồng xảy ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.

Cục Quản lý thị trường TP chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn; yêu cầu các doanh nghiệp KDXD cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Điều 26 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về KDXD.

Công an TP tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.

Sở Công Thương chủ động, quyết liệt trong thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong KDXD, trường hợp phát hiện có sai phạm thì xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Tại Hậu Giang, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành chức năng đã khảo sát 233 lượt cửa hàng, tiến hành kiểm tra đối với 87 cửa hàng KDXD trên địa bàn tỉnh, cho hơn 100 cửa hàng KDXD ký cam kết kinh doanh đúng quy định pháp luật.

Qua kiểm tra, Sở Công Thương đã lập biên bản xử phạt 5 cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh có vi phạm với tổng số tiền 65 triệu đồng, các lỗi vi phạm gồm: Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; Niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối quy định; Không ghi tên thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối trên biển hiệu của cửa hàng…

Cảnh Kỳ