Phát triển nhà ở xã hội là dư địa mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng

Nguồn: Nghị quyết 33/NQ-CP Đồ họa: Văn Chung

PV: Thưa ông, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, ngành ngân hàng cũng rất nỗ lực, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng đến đầu tháng 12 mới đạt khoảng hơn 9%. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến dòng vốn tín dụng tăng thấp như vậy?

TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tín dụng tăng thấp trước hết cho thấy tình hình kinh tế còn rất khó khăn. Nhu cầu trên thị trường thế giới giảm khi lạm phát tăng, giá cả hàng hóa leo thang khiến người dân có xu hướng tiết kiệm. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển không cao, nhưng sau nhiều biến cố về kinh tế, xã hội, xu hướng tiêu dùng tối giản, đơn giản hóa nhu cầu đang được hưởng ứng.

Điều này khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, người lao động mất việc… Từ đó cũng khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm. Trong bối cảnh đó thì các ngân hàng muốn cho vay cũng khó. Trước đây, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo chỉ khoảng 65 - 70%, nay có những ngân hàng tăng lên 80% vẫn khó tìm khách vay.

PV: Tuy vậy, vẫn có doanh nghiệp cho biết họ khó tiếp cận vốn, không vay được vốn trong khi rất cần. Liệu có nguyên nhân tắc nghẽn tín dụng từ phía ngân hàng hay không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Những doanh nghiệp mà còn khó tiếp cận vốn chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản. Còn lại khối doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thị trường thu hẹp, đơn hàng không có thì vay vốn làm gì. Đây không chỉ là những khó khăn tình thế do tắc nghẽn chuỗi cung ứng như thời kỳ đại dịch mà còn là khó khăn lâu dài.

Ngân hàng cho vay chỉ dựa vào tài sản đảm bảo

“Với ngân hàng nói chung, điều họ quan tâm khi cho vay là khả năng trả nợ và tài sản đảm bảo. Truyền thống ngân hàng các nước thì họ quan trọng nhất là khả năng trả nợ. Nhưng với các ngân hàng của ta thì quan tâm nhiều hơn đến tài sản đảm bảo. Nếu cho vay mà ít quan tâm đến khả năng trả nợ, chỉ dựa vào tài sản đảm bảo thì ngân hàng có khác gì tiệm cầm đồ”.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Trước hết là bởi rào cản vào các thị trường lớn đang ngày càng khắt khe, đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao. Một trong những vấn đề lớn mà doanh nghiệp Việt đang đối mặt là yêu cầu về báo cáo phát thải khí nhà kính. Rất nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là ngành thép, không thực hiện được báo cáo này.

Về nguyên nhân ở phía ngân hàng, đúng là có, như Thủ tướng ạm Minh Chính đã nhắc nhở tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng mới đây. Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ rõ, tín dụng tăng trưởng chậm một phần là do kinh tế khó khăn, một phần là do khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng có phần kém đi, nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng cần bám sát tình hình, lĩnh vực, ngành nghề và linh hoạt hơn về điều kiện cho vay, nhất là về tài sản bảo đảm… Đồng thời, cần đánh giá triển vọng dòng tiền nhiều hơn, sát hơn; có tiêu chuẩn, tiêu chí chung và có ưu tiên, có hạn chế đúng, trúng, phù hợp.

Do đó, tôi rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng tại Hội nghị vừa qua là rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa. Muốn như vậy ngân hàng phải nâng cao khả năng thẩm định dự án, để đánh giá tốt hơn khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó tạo điều kiện linh hoạt, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, chứ không chỉ quan tâm mỗi đến tài sản đảm bảo.

PV: Tốc độ tín dụng tăng trưởng thấp ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, cầu tiêu dùng, đầu tư thấp như hiện nay, còn dư địa nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Như Thủ tướng đã nói, tăng trưởng tín dụng do cả phía cung và phía cầu chứ không chỉ một phía nào. Tốc độ tăng tín dụng thường đạt gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Để thúc đẩy tín dụng, trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu, tôi cho rằng có một giải pháp quan trọng, khả thi hơn cả là lĩnh vực nhà ở xã hội. Nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay là rất lớn. Người dân có nhu cầu và có khả năng thanh toán, nhưng các dự án mà Chính phủ đã quy hoạch để làm nhà ở xã hội hầu như không triển khai được.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính, theo tôi, là ở hạn chế về chính sách. Chính sách cho nhà ở xã hội cần được sửa đổi theo hướng không nên bắt buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các vấn đề chính sách, như là xét duyệt hồ sơ, đối tượng. Ngoài ra, do các dự án này là đất không thu tiền sử dụng đất nên các ngân hàng không dám nhận làm tài sản đảm bảo… Hơn nữa, lĩnh vực này cũng phải chịu rất nhiều quy định rườm rà, phức tạp đối với cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng.

Nếu gỡ được các vấn đề này, thị trường nhà ở xã hội “bung” ra được thì thị trường bất động sản mới phục hồi nhanh và cân đối, tín dụng được bơm ra thị trường theo hướng lành mạnh, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngược lại, nếu không gỡ được cho nhà ở xã hội, thị trường bất động sản nếu có phục hồi cũng chỉ lại ở phân khúc nhà ở cao cấp, chủ yếu mang tính đầu cơ, dư thừa những căn nhà giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông. Còn hàng triệu người dân lao động thu nhập thấp sẽ ngày càng khó chạm tay vào giấc mơ có nhà.

PV: Xin cảm ơn ông!

Triển khai hiệu quả chương trình cho vay phát triển nhà ở xã hội

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu ân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay…) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; đồng thời, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà.

Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất là Nghị quyết 33 về thị trường bất động sản, Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030…

Đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản và tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn và xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy các địa phương công bố các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện triển khai vay vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Hoàng Yến