Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt

Hiệu quả từ liên kết sản xuất

Từ những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, nhiều hộ dân ở huyện Tân Hưng mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi thủy sản nước ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Liên kết sản xuất giúp các thành viên Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng) có lợi nhuận cao, ổn định

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh An) - Phạm Thanh Phong cho biết: HTX được thành lập từ năm 2020, có 79 thành viên với tổng diện tích khoảng 130ha ao nuôi, hoạt động chính là ương nuôi cá tra giống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra cá tra giống không ổn định, một số thành viên đã san lấp ao để chuyển đổi sản xuất. Đến nay, HTX còn 40 thành viên với tổng diện tích 60ha ao nuôi.

Ông Phạm Thanh Nhàn - thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh, đang canh tác 2 ao với tổng diện tích 1,1ha. Ông Nhàn chia sẻ: “Người xưa có câu “nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền” nên khi có chủ trương chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, tôi và nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi”. Để tránh rủi ro, ông Nhàn đầu tư cải tạo ao, hút bùn đáy, xây dựng bờ ao kiên cố.

Đồng thời, ông vệ sinh ao nuôi, phơi ao sau mỗi vụ thu hoạch. Nước trước khi bơm vào ao được lọc kỹ để loại bỏ tạp chất, vi khuẩn cũng như ấu trùng gây bệnh. Nhờ đó, năng suất cá hàng năm luôn ổn định. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán gần 40 tấn cá tra giống, lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng.

Để giúp thành viên an tâm chăn nuôi và bảo đảm được lợi nhuận, HTX đã ký kết với Công ty (Cty) Cổ phần Vĩnh Hoàn bao tiêu sản phẩm đầu ra theo giá sàn là 30.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). Nếu giá thị trường thấp hơn thì sẽ cộng giá sàn và giá thị trường rồi chia đôi, đây là mức giá Cty sẽ thu mua. Ngược lại, nếu giá thị trường cao hơn giá sàn thì Cty sẽ thu mua theo giá thị trường. Để ký kết hợp đồng với Cty thì 100% thành viên phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở ương dưỡng cá giống theo quy định. Khi đó, phía Cty sẽ hỗ trợ thêm từ 1.000-1.500 đồng/kg khi xuất bán.

Trong quá trình ương nuôi, bên cạnh việc vệ sinh ao, chọn con giống có chất lượng, kỹ thuật chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của cá, một số thành viên HTX còn chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh để cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, hạn chế bị hao hụt đầu con. Nếu cá giống được tiêm vắc-xin thì khi xuất bán, Cty sẽ trợ giá thêm từ 3.000-4.000 đồng/kg so với cá không tiêm phòng.

“Thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết với Cty Cổ phần Vĩnh Hoàn bao tiêu ổn định đầu ra; liên kết với Cty để cung cấp trực tiếp nguồn thức ăn cho cá giống thông qua nguồn vốn điều lệ ban đầu nhằm giảm chi phí đầu vào cho các thành viên. Đồng thời, HTX vận động 100% thành viên thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh; phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên cá tra giống, giúp thành viên áp dụng đồng bộ vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng cá” - ông Phạm Thanh Phong cho biết thêm.

Tại huyện Vĩnh Hưng hiện có trên 500ha thủy sản nước ngọt, trong đó chủ yếu là cá tra thương phẩm (hơn 440ha), còn lại là ương cá tra giống, nuôi tôm càng xanh, cá lóc,…

Anh Lê Văn Hải (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) cho hay: “Tôi đang nuôi gần 0,4ha cá trê. Những năm qua, loại cá này mang lại hiệu quả kinh tế khá cho gia đình tôi. Loại cá này dễ nuôi, dễ chăm sóc, tuy nhiên, giá cả lại khá thất thường. Gần 2 tuần nữa tôi sẽ thu hoạch, nếu giá cả giữ ở mức từ 30.000-35.000 đồng như hiện nay thì tôi sẽ có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng”.

Để phát triển bền vững

Người nuôi thủy sản cần chủ động phòng bệnh để sản xuất hiệu quả

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương khuyến cáo người nuôi thủy sản thường xuyên theo dõi môi trường trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất diệt khuẩn nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi thủy sản nên cho ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, tổng diện tích thả nuôi thủy sản nước ngọt từ đầu năm 2023 đến nay là 2.340ha, đạt 83,6% kế hoạch và bằng 106,6% so cùng kỳ; đã thu hoạch 1.702ha với tổng sản lượng 52.850 tấn. Mặc dù nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế đều tăng nhưng kết cấu hạ tầng sản xuất còn nhiều hạn chế, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn, để nuôi thủy sản nước ngọt phát triển bền vững, thời gian tới, các địa phương cần đánh giá cụ thể về tiềm năng, thế mạnh, thực trạng; có những chính sách hỗ trợ người nuôi kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh đầu tư sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại địa phương để chủ động nguồn giống, bảo đảm chất lượng và giá thành. Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hoạt động khuyến ngư./.

Minh Tuệ