Phục hồi tổng cầu để tăng trưởng kinh tế 2024

Để kích cầu tiêu dùng, cần giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu. Ảnh minh họa

Phục hồi tổng cầu là nhiệm vụ quan trọng

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, giáo sư tiến sĩ Phạm Hồng Chương, năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, khi phải đối mặt với nhiều rủi ro từ bối cảnh quốc tế như tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu ở mức cao, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn xa so với giai đoạn trước Covid-19, trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng, đầu tư, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện.

“Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập…. Do vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành có liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời, đúng mức để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”- giáo sư Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu khiến nền kinh tế Việt Nam khó khăn, do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu. Báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế gần đây đều thống nhất đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều điểm sáng như tăng trưởng GDP đạt 5,05% - thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 6,5%. “Với tăng trưởng kinh tế như hiện nay, nếu không có sự bứt phá, Việt Nam khó đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 như chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra” - ông Hiển đánh giá.

Giải pháp cho các động lực tăng trưởng

Từ những phân tích và đánh giá tình hình thực tế của Việt Nam cũng như trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhóm tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách vĩ mô thúc đẩy tổng cầu như: cần tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, trọng tâm đầu tư công là cơ sở hạ tầng, các dự án công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, phát triển nhà ở xã hội và trường học. Bên cạnh đó, cần đặt đúng khu vực tư nhân là động lực quan trọng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; hỗ trợ tiếp cận các nguốn lực như đất đai, tín dụng, công nghệ mới; giảm thiểu tối đa thuế, các loại phí…

Để kích cầu tiêu dùng, cần gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo. Nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thuế thu nhập DN. Giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu. Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng góp phần tăng tổng cầu. Để phát triển thương mại quốc tế, cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa và ngành sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước thành viên khác…

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tiến sĩ Cấn Văn Lực, cũng nêu một số nhóm giải pháp cho các động lực tăng trưởng hiện hữu như: thực hiện thành công các cơ chế, chính sách, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản và trái phiếu DN. Bên cạnh đó, quan tâm thúc đẩy tăng trưởng các đầu tàu của nền kinh tế nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Phó giáo sư tiến sĩ Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) lưu ý thêm, đầu tư công là cần thiết nhưng cần chú ý hơn tới cơ cấu. Không chỉ đầu tư mới các dự án mà còn phải quan tâm đế việc duy tu, bảo dưỡng, tăng hiệu quả các công trình như đường xá, trường học bệnh viện đã có, có thể nâng lên đến mức khoảng 10% chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho hoạt động giáo dục, hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học...

Nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công, cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất” – giáo sư tiến sĩ Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết.

Phúc Nguyễn