Quốc hội sẽ giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

95,19% đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Với tổng số 478/475 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 95,19% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Cụ thể, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo chương trình kỳ họp, sáng 21-7, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội cùng với dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Về cơ bản, các đại biểu tán thành với nội dung tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Các đại biểu thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Về kết quả lựa chọn (tính đến 15h30 ngày 21-7-2021) như sau: Chuyên đề 1 có 75,24% đại biểu lựa chọn; chuyên đề 2 có 59,91% đại biểu lựa chọn. Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021 (39,86%) và chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 (34,67%).

Căn cứ kết quả trên, Quốc hội đã quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề 1 và 2; chuyên đề 3 và 4 sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Đồng chí Bùi Văn Cường cho biết, đối với chuyên đề 1, một số ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi giám sát, tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý, mua sắm tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; việc quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công… để tránh dàn trải, bảo đảm giám sát đạt chất lượng, hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xác định trọng tâm, trọng điểm khi xây dựng kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát và xin Quốc hội cho phép được giữ tên như dự thảo.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn. Hằng năm, Quốc hội đều dành thời gian để đánh giá về vấn đề này, song kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế nên cần phải tiến hành đánh giá một cách toàn diện hơn. Kết quả giám sát hằng năm cùng với việc giám sát tối cao sẽ là cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới", đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Đối với chuyên đề 2 về công tác quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 tại khoản 2 Điều 58, việc lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2018, nhưng đến nay qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, chưa có quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được phê duyệt, trong đó bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất quốc gia, gây ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển của đất nước giai đoạn tới. Nguyên nhân của việc chậm trễ này có cả khách quan và chủ quan.

"Vì vậy, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề này là rất cần thiết và phù hợp với lựa chọn của đa số các vị đại biểu Quốc hội nhằm đánh giá lại việc triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; đồng thời, phát hiện các vướng mắc, khó khăn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường giải thích.

Đình Hiệp