Sẵn sàng chi hàng triệu đồng 'đu' idol Kpop

Văn hóa thần tượng hiện đang phổ biến ở rất nhiều bạn trẻ. Hiện nay, giới trẻ Việt Nam thường có xu hướng “đu” idol vì “đam mê”. Họ xem nó như một hình thức thư giãn, giải trí. Các bạn trẻ sẵn sàng đầu tư lớn cho thần tượng vì yêu thích hình ảnh của họ, việc “đu” idol cũng là cách để thỏa mãn niềm vui cá nhân.

Nguyễn Hải Yến, 19 tuổi, Ba Đình, Hà Nội tâm sự: “Với mình, idol Kpop như một người bạn đồng hành. Một khi đã là bạn thì có thể ủng hộ nhau không nhiều thì ít, việc mình chi tiền ra cũng là hình thức giúp giữ chân họ lại bên cạnh vậy”.

Nếu ngày trước, nhiều người chỉ “đu” idol bằng việc mua những đồ dùng học tập như thước kẻ hay sách báo in hình các nhóm nhạc Hàn Quốc. Thì ngày nay, mỗi người hâm mộ lại có những cách thể hiện tình cảm với thần tượng khác nhau.

Với Nguyễn Khánh Linh, 20 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội, là một “fan cứng” của nhóm NCT, cô sẵn sàng đầu tư một khoản lớn để được sở hữu những vật phẩm từ thần tượng của mình. Khánh Linh chia sẻ việc mua những món đồ này là thứ cốt yếu.

Khánh Linh coi những vật phẩm này là cả gia tài. (Ảnh: Minh Anh)

Cứ mỗi năm, Linh lại mua album ít nhất 2 đợt và mỗi đợt cô mua trung bình khoảng từ 5 cuốn trở lên.

“Từ khi bắt đầu vào hành trình “đu” idol, mình đã tiêu tốn khoảng 12 triệu đồng cho những cuốn album và lightstick của nhóm NCT. Nhưng, mình không thấy tiếc chút nào”, Khánh Linh cho biết.

Bên cạnh việc sưu tầm những món vật phẩm đắt tiền, nhiều người trẻ còn có những cách “đu” idol mới lạ. Không ít bạn trẻ chịu bỏ ra số tiền “khổng lồ” để trực tiếp đi xem các sân khấu biểu diễn. Thậm chí, một số bạn trẻ còn sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng để được gọi điện video với thần tượng của mình.

Lê Huyền Trang, 22 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội, dù bận rộn với công việc hàng ngày, song cô vẫn dành cả tiền bạc và thời gian để đi xem các sân khấu âm nhạc.

“Thay vì sắm album hay lightstick, mình thích được trực tiếp ngắm idol trên các sân khấu biểu diễn. Cứ có dịp là mình sẵn sàng chi khoảng 20 – 30 triệu đồng để đi xem các buổi hòa nhạc tại Việt Nam và Thái Lan”, Huyền Trang nói.

Huyền Trang ghi lại khoảnh khắc đến sân khấu biểu diễn trực tiếp tại sự kiện Asia Artist Awards 2019. (Ảnh: do nhân vật cung cấp)

Thực tế, việc chi cả triệu đồng “đu” idol ở giới trẻ cũng là đề tài dấy lên nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng những người “đu” idol chân chính là “fan cuồng”, độc hại, lãng phí tiền của, cùng với đó là vô vàn bình luận chỉ trích nhiều bạn trẻ chỉ chạy theo trào lưu, thấy mọi người mua món gì “hot” cũng đòi mua giống vậy chứ chưa hẳn đã là thần tượng đúng nghĩa.

Với Trần Lê Thu Lan, 29 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cô tâm sự: “Tôi đã chứng kiến nhiều bạn trẻ ngày nay nhịn ăn nhịn tiêu để tiết kiệm tiền “đu” idol, có nhiều trường hợp còn suy giảm sức khỏe vì không ăn uống đầy đủ. Tôi thấy thật khó hiểu, liệu việc chạy theo thần tượng có đáng để đánh đổi cả sức khỏe của bản thân như vậy không”.

Còn ở góc nhìn của Trần Linh Nhi, 20 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cô bày tỏ rằng người hâm mộ không nhất thiết phải bỏ ra quá nhiều tiền để ủng hộ cho thần tượng mà mình yêu thích, cần cân nhắc kỹ trước xem những món đồ đó có đáng mua hay không trước khi quyết định xuống tiền cho idol của mình.

Mỗi người sẽ có một định nghĩa “fan cứng” riêng, một cách “đu” idol khác nhau, nên tính toán chi tiêu sao cho hợp lý và phù hợp với khả năng của mỗi người./.

“Đu” Idol là thuật ngữ chỉ việc theo đuổi, ủng hộ thần tượng một cách nhiệt tình. Điều đó được thể hiện qua việc mua mọi vật phẩm của thần tượng đó như album, thẻ bo góc, lightstick… hay theo dõi mọi hoạt động của họ, tham gia các sân khấu biểu diễn của họ…

Minh Anh/BNEWS