Sáng 20/11: Gần 3.000 ca COVID-19 mới trong 1 tuần; Chủ động bám sát sự xuất hiện các biến chủng mới

Một tuần ghi nhận gần 3.000 ca COVID-19 mới

Bộ Y tế cho biết, ngày 19/11 số ca mắc mới COVID-19 giảm còn 259, thấp nhất trong 4 ngày qua. Trong 7 ngày từ 13-19/11, ngày có số mắc mới nhiều nhất là 15/11 với 580 ca, các ngày còn lại dao động từ 204 ca (ngày 14/11) đến 509 ca (ngày 17/11).

Tổng số ca mắc mới trong 7 ngày qua là gần 3.000 ca, trung bình khoảng hơn 420 ca/ ngày. Con số này tương đương với tuần trước đó.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.511.178 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.329 ca nhiễm).

Tổng số ca COVID-19 mắc mới trong 7 ngày qua là gần 3.000 ca, trung bình khoảng hơn 420 ca/ ngày.

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.606.746 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 52 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 43 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca. Con số này giảm nhẹ so với vài ngày trước đó, trung bình đều hơn 60 bệnh nhân nặng/ ngày.

Trong 7 ngày qua ghi nhận 3 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.169 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch COVID-19, sự xuất hiện của các biến chủng mới

Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Do đó tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn cho 27 triệu trẻ em trên toàn quốc

Hôm nay, 20/11 là Ngày Trẻ em Thế giới (WCD). Ngày này được tổ chức hàng năm vào đúng dịp 20/11 để kỷ niệm ngày thông qua Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em (CRC) năm 1989 nhằm thúc đẩy quyền của mọi trẻ em.

Năm nay, Ngày Trẻ em Thế giới diễn ra cùng với thời điểm khai mạc giải Vô địch Thế giới bóng đá nam World Cup 2022. Nhân dịp này UNICEF Việt Nam nâng cao tầm quan trọng của của thể thao trong việc thúc đẩy hòa nhập, xây dựng kỹ năng, năng lực, sự tự tin và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.

Là quốc gia đầu tiên trong khu vực phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em vào năm 1990, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn cho 27 triệu trẻ em trên toàn quốc, đảm bảo rằng tất cả các em đều khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục, được bảo vệ và được trao quyền để phát huy hết tiềm năng của mình.

Với những thành tựu đã đạt được, ngày nay Việt Nam có thể lên tiếng mạnh mẽ và đưa ra các giải pháp cho những thách thức mà trẻ em đang phải đối mặt.

Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF chia sẻ: "Với những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, cũng như tích cực tham gia vào các lĩnh vực ưu tiên như thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số cho hệ thống giáo dục, Việt Nam đã chứng minh được khả năng của mình trong việc mang lại những thay đổi tích cực cho mọi trẻ em"

Bên cạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được, vẫn còn những công việc chưa hoàn thành, bà Rana Flowers phát biểu: "Do tác động của đại dịch COVID, thiên tai, biến đổi khí hậu, rất nhiều trẻ em đang phải đối mặt với sự chênh lệch ngày càng sâu sắc, phải sống trong cảnh nghèo đa chiều và bị bỏ lại phía sau. Cần tập trung vào các vấn đề cụ thể và sắp xếp lại ưu tiên và nguồn lực để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao nhất, trẻ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, trẻ có cha mẹ đi làm xa nhà, trẻ khuyết tật và tất cả những trẻ đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn".

Số liệu thống kê cho thấy gần 20% trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, suy dinh dưỡng nặng, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 trẻ em mỗi năm, và chỉ 10% trong số đó được điều trị thích hợp...

Thái Bình