Sớm đưa Luật vào cuộc sống kịp thời gỡ bỏ những nút thắt

Sáng 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Đây là những Luật tác động mạnh đến đời sống xã hội và liên quan đến các ngành kinh tế khác nên được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước quan tâm. Các đại biểu đồng tình với việc triển khai sớm cả 4 luật này với mong muốn sớm gỡ bỏ được những “nút thắt” trong thực tiễn…

* Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Hà Nội: Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần chất lượng, đồng bộ, không chạy đua theo tiến độ

Cả 4 luật này có tác động rất lớn đến toàn bộ vấn đề của nền kinh tế. Nếu triển khai sớm sẽ có hiệu quả cao, gỡ bỏ những “nút thắt” trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình đẩy nhanh hiệu lực thi hành nếu không thận trọng sẽ có những vấn đề xảy ra, có cả yếu tố trước mắt nhưng cũng có những yếu tố tác động lâu dài. Đây là điều cần phải cân nhắc, suy nghĩ rất chín chắn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Hà Nội trả lời phóng viên TTXVN bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã được nghiên cứu, xây dựng nghiêm túc, không chạy đua theo tiến độ. Do đó, cũng không nên đặt mục tiêu phải hoàn thành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật trước 1/8 mà nên đặt chất lượng và tính đồng bộ lên cao. Tuy nhiên, phải bảo đảm hoàn thành trong năm 2024 theo quy định của các luật được Quốc hội thông qua.

Trước đây có những Luật ban hành rồi nhưng phải một vài năm mới có các văn bản hướng dẫn. Giả sử bị chậm 4 đến 5 tháng cũng không phải hậu quả lớn, vẫn cho phép thực thi nhưng yêu cầu phải có giới hạn. Có thể đặt ra yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn trước ngày 31/12 với chất lượng cao nhất. Những nội dung trong Luật mới nếu khi thực hiện không được lợi như Luật cũ thì đối tượng thực hiện được lựa chọn từ nay cho đến 31/12.

* Đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn Bình Định: Quyết tâm cao để sớm đưa các Luật vào cuộc sống

Tôi thống nhất với việc sửa đổi một số điều của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 theo tờ trình của Chính phủ. Đây là quyết tâm rất cao của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để sớm đưa luật vào cuộc sống, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024.

Đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn Bình Định. Ảnh: TTXVN

Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Bây giờ Chính phủ trình Quốc hội cho phép Luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, bắt đầu từ 1/8/2024. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống. Chính phủ cần hướng dẫn các chính sách về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản sớm để đảm bảo thi hành Luật từ 1/8/2024.

Theo Tờ trình của Chính phủ đã cam kết về tiến độ nên các đại biểu Quốc hội rất tin tưởng. Nhưng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần tính toán thời gian ban hành văn bản hướng dẫn của Trung ương để bảo đảm địa phương kịp ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện, cụ thể hóa theo thẩm quyền trước ngày 1/8.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tích cực, khẩn trương rà soát một cách đồng bộ để bảo đảm ngày 1/8 khi các Luật này và điều luật có hiệu lực thì hệ thống văn bản hướng dẫn đã được ban hành và đồng thời có hiệu lực để triển khai; không để xảy ra độ trễ và điểm nghẽn.

Để thực hiện thống nhất và đồng bộ về hệ thống áp luật thì hiệu lực thi hành của các luật liên quan cũng cần điều chỉnh, tránh sự chồng chéo và độ trễ trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Chính phủ và Ban soạn thảo cũng cân nhắc tên gọi theo hướng: Luật sửa đổi một số điều về hiệu lực thi hành của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Như vậy, vừa bảo đảm sự tường minh, dễ tiếp cận, dễ tra cứu, vừa tránh tạo ra suy nghĩ Quốc hội mới ban hành Luật, chưa áp dụng đã sửa.

* Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn Bắc Giang: Tập trung nguồn lực triển khai thi hành luật

Tôi nhất trí với chủ trương và sự cần thiết ban hành cácLuật này với cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực để triển khai thi hành Luật; khẩn trương hoàn thiện và kịp thời ban hành theo thẩm quyền tất cả các văn bản quy định; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của Luật.

Cần chú trọng quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật và các văn bản quy định chi tiết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện triển khai có hiệu quả cả 4 Luật, nhất khi các Luật sửa đổi, bổ sung của 4 luật này có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn Bắc Giang. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Việc điều chỉnh hiệu lực theo hướng sớm hơn các luật đã thông qua có ảnh hưởng lớn đến những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các luật này; trong đó, quan trọng nhất là cơ chế, chính sách, quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các chủ thể. Trong hồ sơ dự án Luật đã có một số tài liệu thể hiện cơ quan chủ trì soạn thảo đã quan tâm thực hiện việc này. Đây cũng là một trong những cơ sở thực tiễn để đề xuất điều chỉnh hiệu lực sớm hơn.

Tuy nhiên, đây là việc hết sức quan trọng. Vì vậy đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá tác động. Trường hợp nếu có tác động bất lợi thì phải có giải pháp khắc phục phù hợp nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp cũng như bảo đảm điều kiện để cơ quan có thẩm quyền thực thi.

Việc điều chỉnh hiệu lực của 4 luật cơ bản bảo đảm thống nhất. Quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã quan tâm thực hiện việc rà soát giữa 4 luật với nhau và giữa từng luật với các luật hiện hành. Trên cơ sở đó bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật này với hệ thống pháp luật.

Nội dung này cần được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, đầy đủ để không phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo, kém khả thi. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá và bảo đảm tính thống nhất của không chỉ 4 luật này mà còn giữa 4 luật với các luật khác.

Đơn cử như tại Luật Đất đai năm 2024, chương XVI về điều khoản thi hành đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật; bãi bỏ một số điều của 2 luật và 1 nghị quyết có liên quan đến Luật Đất đai như Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đầu tư, Nghị quyết 132/2020/QH14 Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế...

Trong trường hợp này rất cần tiếp tục đánh giá làm rõ việc quy định thời điểm có hiệu lực sớm hơn của Luật Đất đai có ảnh hưởng gì đến việc áp dụng quy định của các luật này hay không.

Đối với nhiệm vụ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, từ khi các luật này được ban hành, Chính phủ đã tích cực đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, địa phương nỗ lực xây dựng, ban hành các văn bản.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy đến ngày 18/6/2024, hầu hết các văn bản này đều chưa được ban hành. Nhưng Chính phủ, các bộ, ngành đang tích cực thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản và bảo đảm sẽ được ban hành trong tháng 6/2024. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ khẩn trương thực hiện quy trình và quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của các Nghị định, Thông tư.

Đến nay, các địa phương đều mới chỉ ban hành được Danh mục văn bản Luật giao quy định chi tiết, chưa ban hành được văn bản và đang tích cực, khẩn trương chỉ đạo cơ quan tham mưu rà soát, đánh giá, chuẩn bị nội dung để sau khi các Nghị định, Thông tư được ban hành thì địa phương cũng sẽ ban hành hướng dẫn tiếp theo.

Thu Hằng- Văn Giáp/BNEWS/TTXVN