Su-35 Nga rơi xuống biển khi làm nhiệm vụ

Tuyên bố của Quân khu Phía Đông Nga cho biết, vụ tai nạn xảy ra hôm 31/7, phi công đã kích hoạt hệ thống ghế phóng và thoát ra khỏi máy bay an toàn và đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Tiêm kích Nga trong một lần gặp nạn.

"Ngày 31/7, tại vùng lãnh thổ Khabarovsk, trong quá trình bay huấn luyện theo kế hoạch, chiếc Su-35S đã gặp nạn. Phi công đã thoát ra ngoài, sau đó được đội tìm kiếm phát hiện kịp thời và đưa về căn cứ.

Hiện không có mối đe dọa nào với sức khỏe viên phi công. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do hệ thống động cơ phát sinh lỗi và không cung cấp đủ lực đẩy đã khiến máy bay bị rơi", nguồn tin cho biết thêm.

Được biết, chiếc Su-35 gặp nạn thuộc 1 trong 12 chiếc được Không quân Nga triển khai đến Quân khu Phía Đông từ năm 2014. Những chiếc tiêm kích này được trang bị cho Trung đoàn tiêm kích chiến đấu 23, đóng quân tại căn cứ Dzemga - vùng Khabarovsk ở Viễn Đông.

Quân khu phía Đông gồm một phần địa bàn của quân khu Viễn Đông và một phần của quân khu Siberia cũ. Trụ sở của quân khu phía Đông được đặt tại Khabarovsk, rất gần biên giới với Trung Quốc. Sự bổ sung 12 máy bay chiến đấu siêu hiện đại Su-35S giúp Không quân Nga ở khu vực giáp biên với Trung Quốc trở nên rất mạnh.

Su-35 là loại máy bay tiêm kích hạng nặng, có thể bay ở độ cao 19 km với tốc độ 2.500 km/h. Chiến đấu cơ này có tầm hoạt động 3.400 km và bán kính chiến đấu 1.400 km. Nó được trang bị 12 điểm treo vũ khí và lượng bom đạn mang theo tối đa là 8 tấn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tác chiến đa nhiệm trên không, mặt đất và chống hạm.

Ngoài hệ thống tên lửa không đối không chủ lực, Su-35S cũng được trang bị tất cả các loại vũ khí tối tân nhất của Nga, như tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar, bom điều khiển chính xác và bom không điều khiển. Ngoài ra, nó còn được trang bị 1 khẩu pháo 30mm.

Về hệ thống radar điều khiển hỏa lực, Su-35 sử dụng radar mảng pha thụ động IRBIS-E (PESA), cự ly phát hiện máy bay thông thường lên tới 350km, tàu chiến cỡ lớn là 400km. Đặc biệt nó có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình có bề mặt tán xạ radar dưới 3m ở khoảng cách xa 100 - 150 km.

Radar IRBIS-E (PESA) là công nghệ hàng đầu hiện nay. Với mô hình thiết kế vừa sục sạo vừa theo dõi, Su-35 có thể cùng lúc bắt chết 30 mục tiêu và đồng loạt phóng 8 quả tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động, để tấn công 8 mục tiêu khác nhau.

Thảo Nguyên