Sử dụng ánh sáng và âm thanh trong điều trị Alzheimer

Sau khoảng ba tháng sử dụng phương pháp này, tình trạng ở người tham gia đều được cải thiện.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLoS ONE đã báo cáo về kết quả thử nghiệm đầu tiên trên người trong liệu pháp sử dụng âm thanh và ánh sáng để điều trị bệnh Alzheimer.

Phương pháp điều trị đã mang lại một số cải thiện về thần kinh và nhận thức. Tuy nhiên, do quy mô thử nghiệm nhỏ nên các nhà khoa học cần nghiên cứu chi tiết hơn.

Trong bảy năm qua, Li-Huei Tsai và các đồng nghiệp tại Viện Học tập và Trí nhớ Picower của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát hiện, các protein độc hại liên quan đến bệnh Alzheimer có thể bị loại bỏ khỏi não chuột sau khi tiếp xúc với ánh sáng nhấp nháy.

Nghiên cứu sâu hơn cho thấy, tần số kỳ diệu là 40 Hz. Khi động vật tiếp xúc với cả âm thanh và ánh sáng ở tần số đó, sức khỏe não bộ được cải thiện.

Những thử nghiệm trên động vật sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không thể được ứng dụng ở người. Vì vậy, sau khi điều tra thêm, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thực hiện thí nghiệm sơ bộ trên người. Nhóm đã tiến hành hai thử nghiệm lâm sàng trên người.

Nghiên cứu giai đoạn 1 đầu tiên tuyển chọn 43 người tham gia để kiểm tra xem liệu việc tiếp xúc với ánh sáng và âm thanh này có an toàn không. Mỗi người tham gia được theo dõi bằng cách sử dụng các biện pháp EEG trong khi tiếp xúc ngắn với thứ được các nhà nghiên cứu gọi là GENUS (Gamma Entrainment sử dụng kích thích giác quan).

Nghiên cứu sơ bộ này bao gồm cả người khỏe mạnh và suy giảm nhận thức, cũng như bệnh nhân động kinh. Nhờ đó, giúp đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị. Sau một thời gian người tham gia tiếp xúc với kích thích giác quan, các nhà nghiên cứu nhận thấy, một số vùng não đồng bộ hóa với tần số 40 Hz.

“Nghiên cứu giai đoạn 1 của chúng tôi đã chứng minh rằng, GENUS 40 Hz sử dụng ánh sáng và âm thanh đồng bộ. Từ đó, có thể đưa gamma qua nhiều vùng não ở những người bình thường về mặt nhận thức, bệnh nhân mắc chứng động kinh khó chữa và ở người mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer nhẹ”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Thử nghiệm thứ hai tuyển chọn 15 người tham gia mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Mỗi người tham gia được phát một thiết bị để mang về nhà và sử dụng khoảng một giờ mỗi ngày. Về cơ bản, thiết bị này là một bảng trắng LED nhỏ với iPad ở giữa và loa thanh bên dưới.

Trong khi xem video trên iPad, đèn LED trên bảng trắng sẽ nhấp nháy ở tốc độ 40 Hz và loa thanh sẽ phát âm 40 Hz. Sau khoảng ba tháng sử dụng, tình trạng ở người tham gia đều được cải thiện. Các nhà khoa học cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn về phương pháp điều trị không xâm lấn tiềm năng này.

Theo New Atlas

Kim Dung