Sử dụng công nghệ để tăng tốc tiêm vaccine

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, nhằm đảm bảo công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 vừa được phát động trên toàn quốc từ ngày 10/7, các đơn vị, địa phương đã được yêu cầu sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để triển khai.

Hiện tập đoàn Viettel đã xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử,” Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Hệ thống quản lý tiêm chủng được vận hành sẽ triển khai theo 5 bước, đảm bảo công tác từ khi đăng ký tiêm chủng đến khi theo dõi sau tiêm đều được quản lý hiệu quả.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đang được triển khai rất hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh

Cụ thể, khi người dân thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, các Sở y tế thực hiện duyệt, phân bổ đối tượng tiêm chủng Covid-19 đến các Trung tâm Y tế quận/huyện.

Các Trung tâm Y tế sẽ lập kế hoạch và cấp phát vaccine về cơ sở tiêm chủng. Tại đây, các cơ sở thực hiện tiêm chủng theo quy trình tiêm 4 bước của Bộ Y tế. Sau khi tiêm thành công, người dân có thể thực hiện tra cứu kết quả, chứng nhận tiêm chủng Covid-19 thông qua Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng.

Toàn bộ các thông tin này sẽ được quản lý tập trung tại nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia; hỗ trợ Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia truy cập để theo dõi báo cáo kết quả tiêm chủng, điều hành toàn bộ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, nền tảng quản lý tiêm chủng được thiết kế và xây dựng theo hướng toàn trình. Nền tảng này có khả năng quản lý vaccine từ khi về đến khi nhập kho, xuất kho, phân bổ, vận chuyển và tiêm; cho phép quản lý đến từng liều, từng lô, từng loại vaccine ở từng cơ sở tiêm chủng.

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ vào tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, với việc ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia trong đợt 5 chiến dịch tiêm chủng, sau hơn 10 ngày, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được cho 930.239 người, gồm 114.101 người trên 65 tuổi, có bệnh nền; và 806.228 người thuộc đối tượng ưu tiên khác.

Không những thế, công tác tiêm chủng cũng được tăng tốc rất nhanh, nếu những ngày đầu chỉ có vài nghìn mũi tiêm mỗi ngày thì đến những ngày cuối đã đạt trên 100.000 mũi tiêm/ngày.

Hà Thanh