Sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì sao không hiệu quả?

6 tháng chưa sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, không chi quỹ trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở ở kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá cơ sở ở kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Cần quy định rõ mức trích lập, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh minh họa

Đối chiếu với các kỳ điều hành giá gần đây, mức chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề đều dưới 7%. Do đó, việc cơ quan điều hành không sử dụng Quỹ BOG là thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021.

Tại kỳ điều hành gần nhất vào ngày 17/4, giá xăng RON92 tăng 378 đồng/lít, lên 24.226 đồng/lít; xăng RON95 tăng 416 đồng/lít, lên 25.237đồng/lít, dầu mazut tăng 198 đồng/kg, lên 17.206 đồng/kg (dầu diesel, dầu hỏa giảm nhẹ) Tuy nhiên, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập, đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả mặt hàng xăng, dầu.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính khẳng định các quyết định trích lập và chi Quỹ BOG thời gian qua đều được thực hiện một cách linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp. Phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Tuy nhiên, qua số liệu thống kê, kể từ kỳ điều hành ngày 23/10/2023 đến nay, Liên Bộ Công Thương – Tài chính liên tục không chi sử dụng Quỹ BOG, trong khi số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỉ đồng tính đến cuối 2023, tăng hơn 2.000 tỉ đồng so với năm trước.

Bất cập này cũng được Bộ Công Thương thừa nhận, dự kiến sửa đổi khi xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Tại dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần 2 đang trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ. Cụ thể, Bộ này đưa ra trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng ở mức nhất định, chẳng hạn trên 120 USD một thùng và duy trì 15 ngày liên tục, Bộ Công Thương - Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ quyết định trích lập, chi sử dụng quỹ.

Kiểm tra, giám sát chặt quỹ sau mỗi kỳ điều chỉnh giá

TS Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) đánh giá, hiện nay, cơ chế hình thành Quỹ BOG thu nhiều hay ít, chi nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào sản lượng xăng dầu mua vào bán ra. Đây không phải là chuyện thu lập quỹ hay chi sử dụng không công bằng, mà là ở hạn mức nhập vào do Bộ Công Thương phân giao cho các đầu mối.

Do đó, Nhà nước cần đánh giá, kiểm tra để có biện pháp điều tiết cho phù hợp. Tránh trường hợp có những đầu mối nhập về ít hoặc không theo theo hạn mức được phân giao nhưng rồi lại mua bán lòng vòng với số lượng lớn hơn số lượng mà mình được phân giao nhập vào nhằm mục đích được chi Quỹ BOG nhiều hơn, dẫn đến quỹ âm.

Khuyến nghị về giải pháp sử dụng Quỹ BOG hiệu quả, TS Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, phải cải tiến việc trích lập và chi Quỹ BOG. Cụ thể, cơ quan quản lý cần quy định rõ về thu mua để trích lập, chỉ thu để trích lập Quỹ BOG khi giá thị trường xuống thấp, nếu chi thì không nên vừa chi lại vừa trích lập Quỹ.

Bên cạnh đó, việc chi Quỹ BOG phải bám sát quy định của Luật giá. Xăng, dầu là mặt hàng bình ổn giá, khi nào cơ quan quản lý áp dụng biện pháp bình ổn giá thì phải có công bố là trong thời gian này do giá thị trường thế giới tăng cao, do giá xăng dầu trong nước tăng cao… nên Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá cần thiết. Mặt khác, việc chi Quỹ BOG có thời hạn nhất định, khi nào hết thời gian bình ổn giá thì phải công bố bãi bỏ việc sử dụng Quỹ để cho thị trường vận hành bình thường.

Còn theo quan điểm PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc sử dụng Quỹ BOG là biện pháp can thiệp thị trường của Nhà nước mỗi khi có biến động về giá nhằm kiềm chế đà tăng của giá xăng.

Nếu Chính phủ đồng ý với phương án giữ Quỹ BOG (dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần 2 của Bộ Công Thương đề xuất) thì cần có quy định để quản chặt, tăng trách nhiệm của các bên liên quan nhằm tránh nguy cơ chiếm dụng quỹ. Chẳng hạn, thay đổi cách quản lý theo hướng kiểm tra, giám sát quỹ sau mỗi kỳ điều chỉnh giá. Cùng với đó, Nhà nước cần quy định trách nhiệm khi xảy ra sai phạm về cơ quan quản lý.

Do Quỹ BOG hiện vẫn được để tại các doanh nghiệp đầu mối, vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ. Cùng với đó, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

TS Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính)

Ánh Ngọc