Tác động kinh tế khi căng thẳng Israel – Iran leo thang

Sức ép lên thị trường dầu

Hôm thứ Sáu tuần trước (12-4), giá dầu thô Brent đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng là 92,18 đô la/thùng, sau khi phát đi thông điệp cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra nhằm vào Israel, nhằm trả đũa vụ không kích trước đó của Israel vào tòa nhà ngoại giao của Iran ở Syria.

Việc Iran tuyên bố sẽ không hành động thêm sau vụ tấn công cũng khiến một số nhà phân tích kết luận rằng vụ việc có thể không đi quá xa. Điều này đã góp phần hạ nhiệt thị trường dầu mỏ. Giá dầu thô Brent và WTI lần lượt giảm 0,39% và 0,29% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (15-4). “Những người tham gia thị trường đã quyết định rằng vụ việc đã tạm khép lại”, Helima Croft, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets cho biết.

Tuy vậy, thị trường dầu mỏ hiện vẫn đang trong tình trạng cảnh giác cao độ. Theo ông Jorge Leon, Phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, vấn đề giới đầu tư đang quan tâm là liệu phản ứng của Chính phủ Netanyahu đối với cuộc tấn công này có đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến trực tiếp giữa và Iran hay không.

“Trong trường hợp xấu nhất, sự trả đũa mạnh mẽ của Israel có thể gây ra một vòng xoáy leo thang, có khả năng dẫn đến một cuộc xung đột khu vực chưa từng có”, ông Leon cho biết trong một ghi chú công bố hôm Chủ nhật. “Trong hoàn cảnh như vậy, phí bảo hiểm địa chính trị sẽ tăng đáng kể”.

Mặc dù ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran vẫn đang phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, bất kỳ ảnh hưởng nào tới sản lượng dầu vẫn có thể dẫn tới sự tăng giá. Theo ơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm ngoái, Iran là nguồn tăng trưởng nguồn cung lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. IEA đã dự đoán rằng Iran sản lượng dầu của Iran trong năm nay sẽ tăng thêm 280.000 thùng dầu/ngày so với năm ngoái.

Các nhà phân tích của Citigroup, đứng đầu là Max Layton, đã viết trong một lưu ý cho khách hàng rằng, trong trường hợp xung đột trực tiếp bùng nổ, giá dầu có thể tăng vượt ngưỡng 100 đô la/thùng.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs còn lưu ý thêm một số rủi ro nữa đối với giá cả. Các thành viên của OPEC và đối tác là Nga hoàn toàn có thể gia hạn các biện pháp cắt giảm sản lượng như một công cụ chính trị để giữ giá ở mức cao. Bất kỳ cuộc xung đột nào, với quy mô rộng lớn hơn có thể gây ra thiệt hại thực sự cho cơ sở hạ tầng dầu mỏ hoặc làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ qua eo biển Hormuz, tuyến đường thương mại quan trọng. Goldman Sachs nhận định, kịch bản thứ hai dù rất khó xảy ra, nhưng lại có thể khiến giá dầu tăng 20% chỉ trong một tháng.

Giới đầu tư hướng đến các tài sản trú ẩn an toàn

Ngoài năng lượng, nhiều thị trường khác cũng được dự báo sẽ chịu tác động lớn từ nguy cơ xung đột Iran – Israel. Giá vàng đã chạm mốc kỷ lục 2.431,29 đô la/ounce vào thứ Sáu tuần trước, sau những cảnh báo về cuộc tấn công trả đũa của Iran, và tiếp tục duy trì xu hướng tăng vào đầu tuần này, khi nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn gia tăng.

Ông Derek Halpenny, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) tại MUFG cho biết, cho đến đầu tuần này, các loại tiền tệ trú ẩn an toàn như đồng đô la Mỹ, đồng franc Thụy Sĩ và yen Nhật vẫn chưa ghi nhận sự gia tăng nhu cầu sau vụ tấn công của Iran. Theo ông, sự không chắc chắn của tình hình hiện tại sẽ kiềm chế nhu cầu đổ tiền vào các tài sản trú ẩn của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nhanh chóng nếu tình hình căng thẳng leo thang.

Ông Halpenny nói: “Hiện tại, những hy vọng về việc có thể ngăn chặn sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông đang cản trở những biến động mạnh của thị trường tài chính. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi nhanh chóng nếu Israel đưa ra các hành động trả đũa mạnh mẽ, bởi Iran đã khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn nếu Israel hành động”.

Trong khi đó, trên thị trường tiền kỹ thuật số, ngay sau khi cuộc tấn công của Iran xảy ra, giá đã lao dốc mạnh, giảm hơn 10% từ khoảng 70.000 đô la xuống còn 62.000 đô la. Giá một số đồng tiền kỹ thuật số khác giảm tới hơn 15%. Thị trường sau đó đã phục hồi nhẹ, nhưng tính đến sáng thứ Ba (16-4), giá bitcoin vẫn giao dịch ở mức 63.500 đô la.

Theo Fortune, sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư lựa chọn bán bitcoin – một tài sản rủi ro, để chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như vàng, trái phiếu hay đô la Mỹ. Các chuyên gia dự đoán tiền kỹ thuật số có thể sẽ tiếp tục giảm, phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng ở Trung Đông có leo thang hơn nữa hay không.

Rủi ro gia tăng đối với kinh tế thế giới

Trong dài hạn, nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới, gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương, và đe dọa hoạt động thương mại toàn cầu.

Việc giá dầu tăng cao sẽ khiến quá trình kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, việc lạm phát nóng trở lại sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trì hoãn cắt giảm lãi suất. Việc lãi suất được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ có thể gây thiệt hại lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong một năm có nhiều cuộc bầu cử lớn.

Neil Shearing, Kinh tế trưởng của Capital Economics nhận định: “Quyết định của các ngân hàng trung ương có thể bị ảnh hưởng nếu giá năng lượng cao hơn bắt đầu tác động đến lạm phát cốt lõi. Các sự kiện ở Trung Đông sẽ tạo thêm lý do để Fed áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với việc cắt giảm lãi suất, dù không ngăn cản hoàn toàn việc nới lỏng chính sách tiền tệ”.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn tại châu Á thiên về xuất khẩu như Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang tỏ ra lo ngại về tác động tiêu cực mà những diễn biến tại Trung Đông có thể gây ra cho hoạt động thương mại.

Tại Ấn Độ, các chuyên gia lưu ý rằng xuất khẩu của nước này sang châu Âu sẽ đối mặt với nguy cơ gián đoạn do căng thẳng Iran – Israel gia tăng. Giới phân tích dự báo, rủi ro cao hơn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến châu Âu bằng đường hàng không. Khối lượng vận chuyển qua tuyến đường này có thể tăng từ 10-15%, kéo theo sự gia tăng chi phí hậu cần và bảo hiểm.

Các nhà xuất khẩu chè và gạo basmati của Ấn Độ hiện đang lo ngại căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hai mặt hàng quan trọng này. Iran hiện là khách hàng quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ, khi đã nhập khẩu lượng gạo trị giá 598 triệu đô la trong 11 tháng đầu năm ngoái. Cả Israel và các quốc gia lân cận khác cũng đều là những quốc gia tiêu thụ gạo basmati hàng đầu. Do vậy, nếu xung đột lan rộng trong khu vực, xuất khẩu của Ấn Độ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Còn tại Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu mới đây cho biết, vào thời điểm môi trường ngoại thương của nước này đang chịu áp lực từ Mỹ và châu Âu cũng như căng thẳng địa chính trị toàn cầu, xung đột leo thang ở Trung Đông có nguy cơ làm phức tạp thêm bối cảnh thương mại. Với mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc, Trung Đông đang nổi lên như một thị trường thương mại tăng trưởng nhanh chóng đối với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia Ảrập.

Nguồn: The Guardian, Fortune, Global Times, First Post, CNBC, Barron’s

Song Thanh