Tập đoàn Dệt May Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành dệt may được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá là một trong những ngành sản xuất đã làm tốt việc ưu tiên sử dụng nguyên liệu nội địa và hàng hóa Việt Nam.

Hiện nay, trong toàn Vinatex, các đơn vị đã đẩy mạnh ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm trang thiết bị văn phòng, công sở.

Ngoài ra, Vinatex cũng tăng cường sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để phục vụ sản xuất, kinh doanh; rà soát vật tư, phụ liệu, phụ tùng thiết bị và hàng hóa dịch vụ hiện đang sử dụng; xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất; chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại.

“Tập đoàn đã rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế chi tiêu, mua sắm nội bộ… nhằm sửa đổi, bổ sung điều chỉnh để ưu tiên dùng hàng nội địa và đặc biệt là dịch vụ, sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối các doanh nghiệp trung ương”, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ.

Riêng đối với nguồn vật tư, phụ liệu, máy móc, thiết bị, Vinatex thường xuyên xem xét yêu cầu các tiêu chuẩn vật tư, phụ liệu; đánh giá định kỳ các nhà cung ứng vật tư, phụ liệu để tìm cơ hội sử dụng hàng sản xuất trong nước với tỷ lệ khoảng 20% để đưa vào sử dụng trong việc sản xuất.

Nguồn nguyên liệu này đã hỗ trợ tập đoàn rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch COVID-19.

Đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm, các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, làm việc hàng ngày, các loại văn phòng phẩm, các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, y tế, phục vụ bữa ăn giữa ca của cán bộ, công nhân viên, người lao động tại các đơn vị trong tổ hợp, công đoàn các đảng/chi bộ trực thuộc ưu tiên chọn mua và sử dụng sản phẩm của các công ty và doanh nghiệp trong nước có uy tín.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã không ngừng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới, sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại nhằm sản xuất sản phẩm hàng Việt có chất lượng cao, giá thành hạ, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh các mục tiêu phát triển ngành, phát triển thị trường xuất khẩu dệt may, Vinatex luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác mở rộng thị trường nội địa, thị trường thời trang, mở rộng mạng lưới cửa hàng tại các đơn vị thành viên, với tôn chỉ và mục tiêu ưu tiên phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt, đưa hàng may mặc Việt Nam với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh đến trực tiếp người tiêu dùng.

“Thực hiện Cuộc vận động, Vinatex nhận thấy đã phần nào làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng Việt Nam và người sản xuất. Một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và công nhân viên chức đã nhận thức được một cách cơ bản về lợi ích của việc dùng hàng nội địa” – ông Cao Hữu Hiếu nhận định.

Đồng thời chia sẻ, đối với doanh nghiệp sản xuất như Vinatex, thông qua Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng Việt ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã. Nhờ đó lợi ích của người tiêu dùng được quan tâm, đảm bảo hơn.

Để nhân rộng hiệu quả Cuộc vận động, theo ông Cao Hữu Hiếu, các cơ quan chức năng cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, khai thác tối đa thị trường trong nước; tăng cường các biện pháp trong kiểm tra thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nhãn mác, hàng kém chất lượng đang tồn tại nhiều trên thị trường, bảo hộ thương hiệu cho hàng dệt may nước nhà.

Tuy nhiên, theo ông Cao Hữu Hiếu, thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp trong nước chủ động sử dụng sản phẩm, dịch vụ ở các khâu sản xuất, kinh doanh để phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động của đơn vị; có lộ trình cụ thể tăng dần hàng năm tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN