Thái Nguyên: Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

Với việc tích cực chấn chỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã và đang là điểm thu hút mạnh các nhà đầu tư của cả nước.

Một trong các đột phá phát triển của tỉnh ái Nguyên là tập trung phát triển các KCN, CCN. Thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển và mở rộng 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, bao gồm 7 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung đã được phê duyệt quy hoạch (trong đó có 5 KCN và 1 khu công nghệ thông tin đã có chủ đầu tư hạ tầng) và 4 KCN bổ sung. Tổng diện tích quy hoạch các KCN của tỉnh là 4.245ha. Đối với kế hoạch phát triển CCN tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 gồm 41 CCN, với tổng diện tích 2.067ha, trong đó 21 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng.

Hiện tại, Thái Nguyên có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.470,98ha, gồm: Khu công nghiệp Sông Công I, (thành phố Sông Công) 196,88ha, trong đó mở rộng 1,88ha; Khu công nghiệp Điềm Thụy (huyện Phú Bình và thành phố Phổ Yên) 361,1ha, trong đó mở rộng thêm 11,1ha; Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (thành phố Phổ Yên) 263ha, trong đó mở rộng thêm 143ha; Khu công nghiệp Yên Bình (thành phố Phổ Yên) 400ha và Khu công nghiệp Sông Công II (thành phố Sông Công) 250ha.

Vị trí các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, thời gian qua, việc tăng cường quản lý đầu tư, hình thành các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện và có những bước phát triển rõ rệt, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm quyền, lợi ích trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại tình trạng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ... gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư và khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và các quy hoạch liên quan, đồng thời tăng cường, nâng cao công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Do đó, để kịp thời khắc phục tình trạng trên cũng như tăng cường, nâng cao công tác quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường và các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát ngay các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà xưởng thuộc địa bàn quản lý nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó lưu ý kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch, mục địch sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và các quy định pháp luật có liên quan, để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm hoặc kiến nghị, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát và căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp và các quy định về lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp để tổng hợp danh sách đề xuất di dời, báo cáo cấp có thẩm quyền và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 9.415 doanh nghiệp, trong đó có có 7/500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và 4/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý: Tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án trong KCN, CCN trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.

Tập trung các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào các KCN, CCN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012, về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCC, CCN và Thông báo số 158/TB-BCT ngày 28/7/2021 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị trực tuyến về quản lý, phát triển CCN.

Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường và các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Việt Hoan