Thanh Hóa: Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã tác động toàn diện đến kinh tế toàn cầu và trong nước. Tại Thanh Hóa, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống người dân, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Chính sách hỗ trợ cho vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất cho người dân trên địa bàn huyện Như Xuân nhằm đảm bảo an sinh xã hội

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, với sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được kiểm soát tốt, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác ASXH được bảo đảm. Với phương châm kiên định thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đã chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH tập trung tham mưu triển khai nhiều giải pháp chăm lo đời sống cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Trong năm qua, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đã đối với NCC và thân nhân theo đúng quy định; tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho gần 71.900 đối tượng người có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện là hơn 142,5 tỷ đồng/tháng; phát động mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nâng cao mức sống của NCC và gia đình NCC phấn đấu 100% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và không còn hộ nghèo có thành viên là NCC.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã và đang phát huy hiệu quả tích cực; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện; hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư, nhiều mô hình hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả đã phát huy tác dụng, góp phần hỗ trợ công tác giảm nghèo tại các địa phương. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo,hộ làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình tại các huyện, thị xã, thành phố (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm 0,69% (từ 2,20% cuối năm 2020 xuống 1,51%), vượt 0,09% so với kế hoạch đề ra.

Trước đó, ngành LĐ-TB&XH đã trình HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống, tệ nạn xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 116/NQ-CP và 126/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngành đã tập trung tham mưu ban hành đầy đủ các kế hoạch, quyết định, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; tham mưu đề xuất đơn giản hóa quy định về điều kiện, thủ tục, hồ sơ, tạo thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng. Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cơ sở để kịp thời tham mưu, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ.

Sau khi triển khai thực hiện, các chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tập trung tham mưu triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ các chính sách hỗ trợ, tạo sự đồng thuận xã hội để chính sách được triển khai hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tiếp tục phối hợp theo dõi, rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của Nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ đảm bảo khả thi, phù hợp với nhu cầu của đối tượng và tình hình thực tế của địa phương.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương kêu gọi, huy động đa dạng các nguồn lực hỗ trợ người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo ASXH, đảm bảo công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của người dân.Vì vậy, trong thời gian tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm công tác ASXH cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

THU HƯƠNG