Thanh niên và cán bộ Đoàn cần giữ vững bản lĩnh cách mạng

Dự buổi đối thoại có đồng chí: Nguyễn Việt Oanh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và hơn 300 cán bộ Đoàn cơ cở các cấp trong toàn tỉnh.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng trò chuyện với các cán bộ Đoàn.

Mở đầu buổi đối thoại, đồng chí Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết buổi đối thoại là cơ hội để cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt trong tỉnh nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn; bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình với lãnh đạo tỉnh. Đây cũng là dịp để cán bộ Đoàn các cấp lắng nghe, tiếp thu sự định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy. Từ đó, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua trong công tác Đoàn, Đội.

Các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Thân Trung Kiên đồng chủ trì hội nghị.

Nhiều ý kiến tập trung các nhóm vấn đề đang được bạn trẻ quan tâm như: Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật; giải quyết đầu ra cho cán bộ đoàn quá tuổi; chế độ phụ cấp cho cán bộ ở cơ sở.

Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật

Tại hội nghị, một số đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phản ánh bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội (MXH) còn tồn tại những mặt trái như: Lợi dụng MXH để bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của người khác; quay, chụp, chia sẻ hình ảnh, video đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc, sai lệch về đạo đức. Ngoài ra, tình trạng thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử, vi phạm quy định pháp luật vẫn diễn biến phức tạp trong nhà trường và xã hội.

Cán bộ Đoàn cơ sở nêu ý kiến tại hội nghị.

Trước vấn đề này, đồng chí Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc sử dụng mạng Internet an toàn. Thực hiện chỉ đạo của T.Ư và tỉnh, Sở triển khai nhiều giải pháp tăng cường loại bỏ sim rác, quản lý thuê bao chính chủ; xử phạt nghiêm những trường hợp phát tán thông tin xấu, độc lên MXH. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt những giải pháp trên. Biên soạn tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng MXH văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục; nêu rõ những hành vi cần tránh khi sử dụng MXH, hình thức xử phạt để mọi người dân biết và chấp hành.

Đại tá Đỗ Đức Trịnh trao đổi về những giải pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật trong thanh niên.

Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết các hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử trái quy định và những vi phạm pháp luật khi phát hiện đều được Công an tỉnh quyết liệt xử lý. Để tiếp tục ngăn chặn tình trạng trên, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cho rằng cần giải pháp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Đề nghị Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến ĐVTN nâng cao ý thức, trách nhiệm, biết khai thác những mặt tốt, phòng tránh tác động tiêu cực của MXH; nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông; giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Quan tâm cơ chế, chính sách; tìm “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi

Nhiều ý kiến kiến nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết nâng mức phụ cấp cho cán bộ cơ sở và tổ chức Đoàn; tìm “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tùng kiến nghị vấn đề tìm "đầu ra" cho cán bộ Đoàn quá tuổi.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiến, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Phương (Lục Nam) nêu chế độ phụ cấp cho đội ngũ bí thư chi đoàn hiện nay quá thấp khiến nhiều người không mặn mà, khó tìm người kế cận. Cùng nội dung này, đồng chí Nguyễn Mạnh Tùng, Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra (Tỉnh đoàn) cho biết qua rà soát có 7/24 cán bộ đoàn cấp tỉnh và 3 cán bộ đoàn cấp huyện đã quá tuổi quy hoạch các chức danh lãnh đạo của tổ chức Đoàn.

Số cán bộ quá tuổi ở cơ quan Tỉnh đoàn, Huyện đoàn đang làm cản trở sự phát triển đối với các đồng chí cán bộ trẻ, đồng thời bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn để thích ứng với sự thay đổi nhanh trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ.

Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ làm rõ các giải pháp về sắp xếp cán bộ Đoàn.

Trước vấn đề trên, các đồng chí lãnh đạo Sở: Nội vụ, Tài chính, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho hay, hiện tỉnh có chủ trương luân chuyển công tác đối với các đồng chí cán bộ Đoàn quá tuổi. Điều này được cụ thể bằng các văn bản, kế hoạch và thực tế đã sắp xếp được một số trường hợp sang đảm nhiệm công tác ở những cơ quan, đơn vị phù hợp. Việc này còn phụ thuộc vào nhu cầu của các cơ quan, đơn vị; năng lực, trình độ của cán bộ phải phù hợp với vị trí việc làm tại nơi tiếp nhận.

Ngăn chặn "tự diễn biến, tự chuyển hóa"

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu kết luận buổi đối thoại.

Kết luận buổi đối thoại, đồng chí Lê Thị Thu Hồng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, phấn đấu và thành tích mà các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đạt được. Đồng chí nhấn mạnh, Đoàn thanh niên luôn được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Đồng chí cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác cán bộ; trang thiết bị, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của tổ chức Đoàn ở cơ sở còn khó khăn.

Đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tuyên truyền pháp luật cho ĐVTN còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một số phong trào và chương trình hành động của tổ chức Đoàn còn tính hình thức. Một bộ phận ĐVTN chưa hiểu hết ý nghĩa của hoạt động tình nguyện, coi đây như một cuộc chơi, hoạt động dã ngoại, là dịp để thể hiện với bạn bè, người thân, hoặc tham gia với mong muốn được cộng điểm, "tô" đẹp hồ sơ.

Hoạt động của tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư, đặc biệt là việc thu hút, tập hợp thanh niên, xây dựng và phát triển tổ chức Đoàn trong các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa tổ chức Đoàn với chủ doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự hiệu quả.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí đề nghị các cấp bộ Đoàn tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; đặc biệt là Nghị quyết số 165-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn và cán bộ Đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ Đoàn. ĐVTN và mỗi cán bộ Đoàn phải giữ vững bản lĩnh cách mạng, rèn luyện ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin sai trái, luận điệu chống phá, tăng cường “sức đề kháng” trước những cám dỗ, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ Đoàn và ĐVTN.

Cùng đó, Tỉnh đoàn tập trung tham mưu và thực hiện có hiệu quả Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, truyền thống lịch sử, ý thức tuân thủ pháp luật cho thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2027”, khắc phục bằng được tình trạng ĐVTN giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, có hành vi chống Đảng, Nhà nước.

Quan tâm, nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Đoàn ở khu dân cư; khu, cụm công nghiệp. Đồng chí khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong bối cảnh tỉnh đang phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp, ĐVTN chuyển dịch từ nông thôn tới tập trung làm việc và sinh hoạt trong các khu, cụm công nghiệp ngày càng nhiều.

Đồng chí ghi nhận đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị đã bám sát thực tiễn đời sống; giao Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp, phân loại các ý kiến để tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trao đổi, giải quyết.

Tin, ảnh: Mai Toan - Thu Thủy