Thêm chính sách giải bài toán thiếu nhân lực

Lao động khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

Kể từ đầu tháng 7 tới nay, hàng loạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở các khu công nghiệp ở Mê Linh, Phú Xuyên (Hà Nội), Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam rầm rộ thông báo tuyển dụng các nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động của đơn vị với mức lương tăng bình quân 20%.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhu cầu tuyển dụng tại một số nhóm ngành công nghiệp, trong đó có lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã gia tăng rất mạnh. Điển hình như tháng 4 vừa qua, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo có xu hướng tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng, tăng 38,63% so với tháng trước. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở vị trí lao động giản đơn và chuyên viên nghiệp vụ với mức tăng 22,5%...

Dù nhu cầu tuyển dụng gia tăng nhưng các doanh nghiệp cũng đưa ra yêu cầu cụ thể khá cao liên quan đến các vị trí. Có đến gần 50% doanh nghiệp cho biết, có kế hoạch tuyển dụng các vị trí chuyên viên có ít nhất từ 6 tháng kinh nghiệm trở lên; 18% đơn vị có nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý cấp trung và gần 1/4 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cần tuyển lao động phổ thông. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu nhân lực có kỹ năng tay nghề cao lẫn lao động phổ thông gia tăng, các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đang đối mặt với không ít thách thức trong tuyển dụng. Theo kết quả khảo sát, có tới 57% đơn vị tham gia khảo sát gặp khó khăn trong việc tìm được lao động đáp ứng nhu cầu của họ và chỉ 4% công ty cho hay việc tuyển dụng tương đối dễ dàng.

Điển hình như Công ty SMC Corporation Việt Nam với 14 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị cho các ngành công nghiệp tự động hóa với các sản phẩm như bộ chuyển động, xi lanh, thiết bị kiểm soát lực ép, van chu trình… Việc tuyển dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn khi công ty đang muốn mở rộng địa bàn tại một số tỉnh.

Theo đại diện công ty này, các nhân sự làm việc cho công ty phải đáp ứng các yêu cầu về đào tạo đại học hệ chính quy chuyên ngành cơ - điện tử, tự động hóa với các kỹ năng lập trình PLC/vi điều khiển và hiểu biết chuyên sâu về các thiết bị điện - tự động hóa và thành thạo tiếng Anh. Nhân sự được tuyển dụng sẽ được đào tạo trực tiếp từ các chuyên gia cao cấp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và được nhận mức lương rất cạnh tranh trên thị trường đi kèm việc tăng lương 1 lần/năm. Dù điều kiện làm việc tốt những vẫn rất khó để tìm lao động phù hợp.

Trường Cao đẳng THACO đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng ở ngành nghề về ô tô và hỗ trợ công nghiệp ô tô

Giải bài toán thiếu nhân lực

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” vừa diễn ra, tham mưu cho Chính phủ và khối các ngành công nghiệp, các chuyên gia cho rằng, các công ty, tập đoàn nên chú trọng tới công tác đào tạo lao động tại chỗ.

Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Trường Hải THACO, từ năm 2010, THACO đã thành lập trường Cao đẳng nghề để chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng các ngành nghề về ô tô và hỗ trợ công nghiệp ô tô như công nghệ ôtô, điện cơ khí, điện công nghiệp, bảo trì thiết bị cơ điện, công nghệ thực phẩm… với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên/năm.

Đến nay, THACO đã đào tạo trên 2.500 trình độ cao đẳng, 2.000 nhân sự sơ cấp, trung cấp, 200 kỹ sư thực hành. Học viên trường Cao đẳng THACO được miễn học phí, được thực tập trên dây chuyền sản xuất tại các nhà máy, vừa học vừa làm có lương, được bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Thời gian tới, sẽ thành lập thêm các trung tâm đào tạo, thành lập trường đại học THACO để nâng cấp đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới.

Cũng nói về định hướng việc làm trong ngành công nghiệp tại Hội nghị này, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, dự đoán trong giai đoạn mới, để nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, công nghiệp Việt Nam sẽ tập trung phát triển các ngành có tính chất nền tảng, then chốt như các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp xanh, công nghiệp carbon thấp nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường.

Riêng về công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương chỉ rõ, cần bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành ít nhất 3 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại 3 miền cho các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Các Trung tâm này có vai trò là các Trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp.

“Yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đào tạo và đào tạo lại ngay tại doanh nghiệp và nơi làm việc, nâng cao tay nghề và kỹ năng làm việc thích ứng với công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần bám sát tình hình, thay đổi trong cơ cấu việc làm, ngành nghề, phương thức sản xuất kinh doanh... để xây dựng, cập nhật chiến lược, kế hoạch, mô hình đào tạo phù hợp, hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tùng Dương