Thiết thực chăm lo đời sống bằng những mô hình

Đường Bờ Mồi - Xóm Bến tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước vừa được mở rộng, tráng bêtông, trồng cây và làm hàng cờ

Đường cờ ở Phước Đông

Dịp lễ 2/9 vừa qua, không chỉ những tuyến đường chính mà một số đường liên ấp thuộc xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cũng đỏ rực sắc cờ. Những hàng cờ đều tăm tắp dọc các tuyến đường bêtông rộng len lỏi giữa cánh đồng xanh mướt làm bộ mặt nông thôn của Phước Đông thêm khởi sắc. Nhà ven tuyến đường Bờ Mồi - Xóm Bến kết nối các ấp: 1, 2, 6, 7, ông Nguyễn Công Thái (ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước) vui khi có đường rộng, đẹp. Nhà gần sát đường nên ông Thái mở quán nước nhỏ dưới những tán cây trước sân, vừa đón khách nghỉ chân, vừa có thêm thu nhập.

Ông Thái kể: “Đường này trước đây nhỏ lắm! Vừa rồi, được vận động nên người dân hiến đất, Nhà nước hỗ trợ mở rộng và tráng bêtông. Vừa thi công xong, các đoàn thể của xã chia nhau trồng cây. Sau đó, cờ được lắp đặt, xong khoảng 1 tháng trở lại đây. Đường cờ do xã làm, người dân không đóng góp gì. Có đường cờ, con đường “sáng” hẳn lên. Mấy người ghé quán tôi uống nước đều khen xã làm đường cờ đẹp quá!”.

Đến nay, xã Phước Đông lắp đặt gần 400 cột cờ dọc theo Quốc lộ 50, Đường tỉnh 826B, đoạn qua địa bàn xã và một số tuyến đường chính, đường liên ấp trong địa bàn xã. Các cột cờ được thiết kế cùng kích cỡ, kiểu dáng, di động, tháo lắp dễ dàng. Ban ấp và các đoàn thể chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý cột cờ trên các đoạn đường qua mỗi ấp.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông, huyện Cần Đước - Nguyễn Minh Sơn cho biết: “Toàn bộ kinh phí làm cột cờ đều do địa phương vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Trước đây, tại một số tuyến đường, cờ Tổ quốc được treo tạm trên các cột đèn, cột điện. Đó chỉ là giải pháp tình thế vì tiềm ẩn rủi ro. Khi có hệ thống cột cờ riêng, tháo lắp dễ dàng, việc treo cờ vào các dịp lễ, tết,... đơn giản, dễ dàng hơn. Lãnh đạo UBND xã tiếp tục vận động kinh phí để làm đường cờ tại các tuyến đường khác trong xã. Đường cờ được triển khai, thực hiện nhằm nâng chất tiêu chí xã NTM nâng cao, đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Thêm một động lực cho địa phương là khi các tuyến đường cờ hoàn thành, nhận được nhiều lời khen của người dân”.

Những lời khen ngợi ấy là sự khẳng định cho hiệu quả của công trình đường cờ mà xã Phước Đông đang thực hiện.

Thiết thực mô hình phòng cháy, chống trộm

Tham gia mô hình Điểm chữa cháy cộng đồng kết hợp giữ gìn an ninh, trật tự xã Long Khê, huyện Cần Đước, người dân được hướng dẫn cách sử dụng chuông và phương tiện chữa cháy

Sau thời gian triển khai, vận động, mô hình Điểm chữa cháy cộng đồng kết hợp giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT) tại xã Long Khê, huyện Cần Đước chính thức hoạt động. Là tổ trưởng tổ quản lý mô hình, ông Nguyễn Văn Tây (ấp 1, xã Long Khê, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Ấp 1 giáp với Đường tỉnh 830. Đường vào ấp không đủ rộng để xe cứu hỏa có thể vào được, 2 bên đường, nhà dân liền kề, nối tiếp nhau nên tôi thấy thực hiện mô hình Điểm chữa cháy cộng đồng kết hợp giữ gìn ANTT là cần thiết”. Nói xong, ông Tây đưa chúng tôi đến chỗ chuông báo cháy được lắp đặt trước nhà ông. Chuông đặt cạnh bình chữa cháy mini cùng bảng tiêu lệnh chữa cháy, hướng dẫn sử dụng chuông khi có hỏa hoạn hoặc trộm, cướp xảy ra.

“Có mô hình này đỡ lắm, có chuyện xảy ra chỉ cần nhấn chuông thì cả xóm đều biết. Hôm trước, người dân được hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy mini, diễn tập chữa cháy và bắt trộm. Phòng cháy, chữa cháy là kiến thức ai cũng cần biết nên khi mô hình được triển khai, người dân trong ấp đồng thuận. Mỗi hộ gia đình còn đóng góp 100.000 đồng, cùng địa phương trang bị phương tiện chữa cháy” - ông Tây chia sẻ thêm.

Mô hình Điểm chữa cháy cộng đồng kết hợp giữ gìn ANTT do UBMTTQ Việt Nam xã Long Khê phối hợp Công an xã thực hiện theo hướng dẫn của UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước nhằm xây dựng cộng đồng an toàn về phòng cháy, chữa cháy và ANTT. Khi mô hình được triển khai, UBMTTQ Việt Nam xã Long Khê phối hợp Công an xã tuyên truyền người dân về các điểm đặt và cách sử dụng phương tiện chữa cháy, quy định về sử dụng chuông, quy trình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, quy trình truy bắt tội phạm.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Khê, huyện Cần Đước - Trần Phi Hổ cho biết: “Khi triển khai, mô hình nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của người dân. Người trẻ trong ấp sẵn sàng dành 1 ngày làm việc để tham gia diễn tập. Vậy mới thấy người dân rất quan tâm đến việc giữ gìn ANTT và phòng cháy, chữa cháy trong khu vực sinh sống. Thời gian tới, UBMTTQ Việt Nam xã tiếp tục vận động kinh phí nhân rộng mô hình. Ngoài ra, các thiết bị cũng cần kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa sau thời gian sử dụng”.

Mô hình Đường cờ ở xã Phước Đông và Điểm chữa cháy cộng đồng kết hợp giữ gìn ANTT tại xã Long Khê đều nhận được sự hoan nghênh, đồng thuận của người dân. XDNTM chính là nâng cao chất lượng đời sống người dân, cải thiện bộ mặt nông thôn. Các mô hình trên đã và đang làm tốt điều đó và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân chính là động lực để các địa phương nỗ lực nhiều hơn nữa trong hành trình XDNTM nói riêng và chăm lo đời sống của người dân nói chung./.

Thu Lam